Lan tỏa trên mạng xã hội: Chàng trai khuyết tật tay lan tỏa tinh thần lạc quan

25/07/2022 08:35 GMT+7

Nhiều đoạn clip của anh Trang được cư dân mạng yêu thích khi anh tự tin khoe cánh tay cụt, từng ngón bé xíu với gương mặt luôn tươi cười, vui vẻ. Rất nhiều cư dân mạng để lại bình luận đáng yêu cùng những lời động viên vượt khó.

Kiên trì vượt nghịch cảnh

Theo tìm hiểu của PV, từ khi sinh ra, anh Lê Hữu Trang (23 tuổi, ở H.Đầm Dơi, Cà Mau) bị khiếm khuyết tay phải. Anh Trang là con trai út trong gia đình 3 anh chị em, từ nhỏ đã được mẹ tập cho làm mọi thứ từ ăn uống, tắm rửa, thay quần áo… Dù mới đầu khó khăn nhưng anh cứ tập dần, đến giờ mọi thao tác đã trở nên nhuần nhuyễn, không cần hướng dẫn từ mẹ.

Anh Trang tự làm mọi việc nhà…

“Bị tay phải nên hồi nhỏ tôi đã tập viết tay trái. Lúc bé chưa biết nên thấy cũng bình thường nhưng đến khoảng 5 - 6 tuổi tôi nhận ra tay không giống như mọi người. Tôi vẫn nhớ lúc thi cuối kỳ lớp 1, lúc đó tay phải tôi để trong hộc bàn, viết bằng tay trái, giáo viên gác thi từ nơi khác về không biết tay phải tôi bị vậy nên cứ nhắc miết. Nhắc nhiều quá mà không thấy tôi viết tay phải, giáo viên định la nhưng mẹ tôi ở ngoài nói lý do, đến khi tôi đưa tay phải trong hộc bàn ra giáo viên coi thi mới biết”, anh kể.

…và lan tỏa năng lượng tích cực với nụ cười lạc quan

NVCC

Tốt nghiệp cấp 3, anh Trang trúng tuyển Trường ĐH Nam Cần Thơ. Tuy nhiên, vì gia đình khó khăn nên học hết năm nhất anh quyết định nghỉ học, về bán kẹo kéo. Một thời gian sau, ba anh bị tai nạn điện bỏng hết người, phải cưa 1/3 chân trái và bàn chân phải nên anh càng quyết tâm đi làm kiếm tiền đỡ đần gia đình. Ít tháng gần đây, có người chị họ mở quán cà phê, anh xin phụ bán cùng để có tiền trang trải cuộc sống và tích góp cho gia đình. Mỗi tháng, thu nhập từ việc bán cà phê được khoảng 4 triệu đồng. “Bị tật một tay nên tôi làm cà phê chậm hơn người ta, họ bưng hai tay còn tôi bưng một tay. Chị chủ và khách biết tôi bị vậy nên cũng thông cảm, làm hơi chậm chút cũng không sao. Giờ tôi phụ bán từ sáng đến tối và ngủ luôn tại quán, thỉnh thoảng mới về nhà thăm ba mẹ. Hồi đi học nhiều người cũng chọc này chọc kia, lúc đầu tôi thấy buồn nhưng sau nghĩ lại nên cứ tiếp tục sống vui vẻ”, anh nói.

Muốn lan tỏa lạc quan đến mọi người

Những đoạn clip được anh chia sẻ lên mạng xã hội chủ yếu thực hiện theo trào lưu trên mạng xã hội cùng bàn tay khiếm khuyết. Anh mong muốn qua đó có thể truyền động lực, sự tự tin đến những người có hoàn cảnh tương tự. Anh cũng thấy vui khi những clip của mình nhận được nhiều lượt yêu thích và phản hồi tích cực. “Hồi xưa thấy mọi người chê tôi cũng tủi này tủi kia nhưng lớn lên tôi hiểu vì không may mắn mới bị vậy. Lúc đầu tôi đăng mấy clip cho vui nhưng không ngờ được nhiều người yêu thích. Mẹ cũng thương tôi nên luôn động viên. Mỗi lần tôi đi làm về mẹ lại nấu những món tôi thích…”, anh Trang bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Thu (54 tuổi, mẹ anh Trang) cho hay bà luôn chăm sóc, chỉ dạy con làm mọi thứ từ những điều nhỏ nhặt như ăn uống, vệ sinh cá nhân… Cách đây 2 năm, chồng bà bị tai nạn nên mọi nguồn thu đổ dồn lo chữa trị. “Thấy Trang làm từ sáng đến tối muộn, cố gắng phụ giúp gia đình, tôi cũng lo cho sức khỏe của con. Thương con, chỉ biết nấu món này món khác khi có điều kiện để chăm sóc, mong con khôn lớn, trưởng thành”, bà Thu chia sẻ.

Trao đổi với PV, anh Trang cho biết thời gian tới anh tiếp tục bán cà phê, sống cuộc sống yên bình ở quê nhà. “Tôi luôn mong bản thân có thể lan tỏa sự vui vẻ, lạc quan đến mọi người, đặc biệt với những người không may bị khiếm khuyết”, anh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.