Một ngày đầu tháng 6, bà Nguyễn Phương Lan (56 tuổi) bước lên sân khấu, ôm thật chặt TS Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Á ở TP.Đà Nẵng và nhận tấm bằng kỹ sư danh dự cho con trai Nguyễn Minh Châu. Chàng trai sinh năm 2004 bị loạn dưỡng cơ - căn bệnh chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu - và qua đời cách đây không lâu.
"Tôi vô cùng xúc động khi được thầy cô khoác chiếc áo cử nhân để bước lên sân khấu. Tôi đã từng tốt nghiệp ĐH nhưng chưa có cảm giác nhận bằng một cách trang trọng như vậy. Tấm bằng như sự chứng nhận gia đình đã sát cánh, chiến đấu cùng con để con trở thành kỹ sư CNTT. Tôi thực sự tự hào với giây phút đó, dù con chỉ học ĐH khoảng 5 tháng", bà Lan kể lại. Khi chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội, bà đã nhận được rất nhiều những cái ôm từ xa, những lời an ủi, sẻ chia của cư dân mạng.
Nỗ lực kiên cường của chàng trai
Chia sẻ với Thanh Niên, bà Lan cho biết khi trở thành tân sinh viên vào năm 2022, Minh Châu đã dùng xe lăn dạo một vòng quanh trường. Em nhờ mẹ quay lại khoảnh khắc hạnh phúc khi vươn tới một nấc thang mới trên con đường học vấn.
Minh Châu phải nằm một chỗ từ nhỏ, khi đi học phải có người bế lên xe lăn nên gia đình muốn Châu theo học những ngành ít phải đi lại và có thể làm việc trên máy tính. Chị gái của Châu lúc đó đang học ngành thiết kế đồ họa, đã định hướng cho em học ngành CNTT. Theo lời chia sẻ của người mẹ, từ những năm cấp 3, Châu đã tham dự nhiều cuộc thi liên quan đến ngành CNTT.
Minh Châu cũng nhận được học bổng toàn phần 4 năm và em rất vui khi được nhà trường thiết kế lối đi để có thể di chuyển dễ dàng bằng xe lăn. Niềm vui không kéo dài được bao lâu vì chỉ mới nhập học một ngày, Châu phải nhập viện do suy hô hấp. Sau đó, chàng trai nằm điều trị ở BV suốt một năm vì diễn tiến của căn bệnh.
"Suốt một năm, con phải thở máy, mở nội khí quản và chống chọi với nhiều bệnh khác như viêm phổi, Covid-19… Cơ thể con suy kiệt đến nỗi sụt 10 kg và gia đình quyết định đưa con về nhà điều trị. Chị gái con cũng bỏ công việc ở Hà Nội về nhà cùng ba mẹ chăm em. Ngoài điều trị, hai chị em bắt tay vào thiết kế đồ họa trong tình trạng con không nói được, phải chăm sóc tích cực", người mẹ nhớ lại.
Đến tháng 9.2023, Châu quay trở lại trường.
"Mẹ sẽ tiếp tục học thay con!"
Ngoài ngành CNTT, Minh Châu còn có mong muốn học thêm văn bằng 2 là ngôn ngữ Nhật vì yêu thích đất nước mặt trời mọc và muốn làm phim hoạt hình anime. Châu quyết định học song song, đăng ký thêm lớp học buổi tối.
"Trước đó gia đình đã chuyển nhà đến gần Trường ĐH Đông Á để tiện đưa rước. Con muốn học thêm buổi tối, cách nhà khoảng 6 - 7 km, vợ chồng tính mua ô tô tiện đưa đón con. Tuy nhiên chưa đến ngày khóa học tiếng Nhật khai giảng thì vào ngày 3.2 vừa qua, con qua đời…", bà Lan trải lòng.
Bà Lan cho biết thời gian tới bà sẽ học thay con để nối tiếp ước mơ. Dù biết ở độ tuổi của mình, việc học ngành CNTT và tiếng Nhật sẽ có nhiều thách thức nhưng bà sẽ nỗ lực hết mình.
"Mẹ con tôi đã từng học, từng viết nhật ký, chia sẻ những ý tưởng làm việc cộng đồng. Dù biết sẽ phải đương đầu với khó khăn nhưng tôi không ngừng hy vọng hai mẹ con sẽ tạo nên một phép màu. Tôi là một nhà làm phim tài liệu nên con muốn hợp tác với mẹ ghi lại khoảnh khắc cùng chữa bệnh nói lắp, học kèn harmonica… Vì vậy, tôi muốn tiếp nối những thứ con còn dang dở, hành trình đó sẽ kéo dài mãi mãi", người mẹ nói.
Trước đó, Minh Châu có tâm nguyện hiến xác cho y học và thi hài của em đã được chuyển về Trường ĐH Y Quảng Nam. Gia đình hy vọng Châu sẽ "góp sức" để nhà khoa học nghiên cứu phương pháp chữa căn bệnh loạn dưỡng cơ hiếm gặp này.
Trong thư tiễn sinh viên Minh Châu trong lễ tang, TS Nguyễn Thị Anh Đào cho biết Châu là sinh viên giỏi, có nghị lực phi thường và tấm lòng cao cả.
"Đang mải mê theo đuổi ước mơ, Châu quyết định hiến xác cho y học khi thấy mình không còn khỏe và phải bỏ lại ước mơ dang dở. Em xứng đáng để gia đình, thầy cô và bạn bè trân trọng, tự hào mãi mãi", TS Anh Đào viết.
Bình luận (0)