Câu lạc bộ Trái tim múa thành lập năm 2013 với thành viên là các nghệ sĩ múa ở thành phố Hồ Chí Minh do thạc sĩ, biên đạo múa Nguyễn Lương Hòa làm chủ nhiệm. Gần 12 năm qua, câu lạc bộ đã tổ chức 5 chương trình biểu diễn gây quỹ cho trẻ mồ côi, bệnh nhi ung thư, xây nhà tình thương… với phương châm "tặng hết không giữ quỹ".
Thiện nguyện bằng nghề của mình
Năm 2024, nhận thấy số trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ tăng lên, các nghệ sĩ mong muốn làm chương trình gây quỹ giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình của câu lạc bộ nhận được sự đồng hành của các đơn vị đang hỗ trợ trẻ tự kỷ như Tìm lại ước mơ, doanh nghiệp xã hội Cùng con đi khắp thế gian. Câu lạc bộ phối hợp các đơn vị tổ chức hội thảo chuyên môn chia sẻ những vấn đề liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ, lập sân chơi vận động cho trẻ em, tư vấn hoạt động trị liệu, gian hàng mua sắm sản phẩm do trẻ rối loạn phổ tự kỷ làm ra… Câu lạc bộ còn tổ chức các đêm biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ múa, diễn viên, ca sĩ… để gây quỹ.
Kết thúc chương trình, câu lạc bộ hỗ trợ được 58 suất chẩn đoán tại Bệnh viện Nhi đồng 1, 10 suất học bổng hướng nghiệp, 10 suất học bổng chuyên môn, 10 suất quà cho các gia đình khó khăn có trẻ tự kỷ với tổng giá trị gần 200 triệu đồng.
Đại diện dự án Tìm lại ước mơ - bà Nguyễn Lê Thảo Nguyên chia sẻ mong mỏi lớn nhất của các phụ huynh là thấy con mình khỏe mạnh. Còn những đứa trẻ thì luôn muốn khám phá thế giới, sống với ước mơ của mình. Khi các con không khỏe thì ước mơ của ba mẹ cũng không còn.
"Với sự đồng hành cùng câu lạc bộ lần này, tôi mong chương trình lan tỏa đến nhiều phụ huynh hơn, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, gia đình khó khăn… để các bé có cơ hội được can thiệp sớm, còn phụ huynh thì có thêm kiến thức, điều kiện để cùng con tìm lại ước mơ", bà Thảo Nguyên nói.
Trái tim người nghệ sĩ
Chị Nguyễn Thị Kim Thảo (quận Tân Bình) có con 11 tuổi nhận học bổng từ câu lạc bộ chia sẻ: "Nhờ suất học bổng, con được tham gia một nhóm để phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp. Mỗi tuần con sinh hoạt 1 buổi, tôi thấy con có sự tiến bộ hơn, hay thắc mắc và đặt nhiều câu hỏi cho ba mẹ".
Với kinh nghiệm 10 năm đồng hành cùng trẻ tự kỷ, bà Trương Ngọc Minh Đăng - đại diện doanh nghiệp xã hội Cùng con đi khắp thế gian, cho biết hiện nay chứng rối loạn phổ tự kỷ trên thế giới có khoảng 137 loại, riêng ở Việt Nam mới phát hiện được 18 - 22 loại. Thực tế ở VN, các phụ huynh gặp khó trong việc xác định con mình đang ở dạng nào để can thiệp sớm đúng phương pháp và trúng đích.
"Các dự án của chúng tôi đã giúp hơn 300 trẻ tự kỷ tiếp cận các dự án và có sự tiến bộ rõ rệt, trên 70% trong 10 năm qua", bà Minh Đăng chia sẻ. Từ hiệu quả đó, bà quyết định đồng hành cùng CLB để hỗ trợ thêm các em.
Trẻ tự kỷ thường không tập trung, khó trò chuyện… nên việc tiếp cận để hiểu các em phần nào gặp khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự kiên nhẫn, trái tim yêu thương và mong muốn giúp đỡ, thành viên CLB đã đồng cảm, thấu hiểu những khó khăn của các em và phụ huynh để quyết tâm làm tốt chương trình gây quỹ.
Ông Lê Nguyên Hiều - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Chỉ khi bắt tay làm, trực tiếp gặp các em và gia đình, chúng tôi mới thật sự hiểu và biết thêm về rối loạn phổ tự kỷ". Từ đó, ông nhấn mạnh, để giúp các em tới nơi tới chốn cần một quá trình dài hơi. Không chỉ kết nối, hỗ trợ giúp phụ huynh kịp thời phát hiện vấn đề của con mà còn cả việc cung cấp thông tin về cách chăm sóc, can thiệp sớm, định hướng nghề nghiệp và cả việc hòa nhập cộng đồng.
"Đó vừa là một thách thức, nhưng đồng thời cũng là dịp để những người nghệ sĩ múa quyết tâm hơn, nhiệt huyết hơn với trái tim thiện nguyện", Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nguyễn Lương Hòa cho biết.
Bình luận (0)