Làng chài nghèo mưu sinh: Đụng chi làm nấy

Quang Viên
Quang Viên
23/02/2022 07:07 GMT+7

Đứng trên bờ thả lưới kiếm cá nhỏ. Không ra biển cào ốc ruốc thì vào sông khai thác sò hoặc đặt lồng bắt cá tôm để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Người dân làng chài nghèo này nói dễ hiểu là 'đụng chi làm nấy'.

Nghề “gạy gạo”

Những người dân ở làng chài nghèo xã Tam Tiến, H.Núi Thành, Quảng Nam nói về những nghề như đặt lồng, giăng lưới ở sông hồ, đánh bắt cá nhỏ ven bờ biển… là “gạy gạo”. Bởi lẽ, dù có chịu vất vả, siêng năng làm, họ cũng chỉ có thể kiếm đủ tiền mua gạo, mua thức ăn hằng ngày cho gia đình. Hầu hết nghề “gạy gạo” dành cho những người đàn ông lớn tuổi, không còn đủ sức để xông sóng chém gió ra khơi và phụ nữ.

Người dân lên đường đi cào sò

Quang Viên

Ông Nguyễn Hoa (73 tuổi) ở thôn Ngọc An, xã Tam Tiến nhấp chén rượu gạo rồi trải lòng: “Tuổi như tui chừ ra khơi chi nổi. Mỗi đêm đánh lưới ngoài sông, trong hồ kiếm chút tiền đủ mua gạo là vui rồi”. Cả bốn mùa, hầu như đêm nào ông cũng bơi chiếc thúng tròn đi thả lưới hoặc đặt lồng. Nhưng theo ông Hoa, khổ nhất là mùa đông, mưa tầm tã và lạnh cóng. Tuy nhiên, không đi làm cứ ru rú trong nhà thì còn buồn hơn.

Thành quả một đêm lao động của người ngư dân hiền lành, chất phác này là một ít cá nhỏ. “Trúng mánh” thì được vài con cua. “Kiếm tiền trăm thì khó lắm, nhưng năm, bảy chục nghìn thì cũng hay có. Như rứa cũng đủ tiền mua gạo, mua thức ăn đạm bạc qua ngày”, ông Hoa chia sẻ. Cũng theo ông Hoa, ở xóm này nhiều người đàn ông lớn tuổi hơn ông vẫn không chịu an phận tuổi già. Họ cũng xuống sông, ra hồ đánh lưới.

Cạnh nhà ông Hoa, ông Nguyễn Hữu Diệp tuổi ngoài 75 vẫn lạc quan yêu đời, và cho rằng còn lao động được là “vinh quang”. Ông Diệp hồ hởi nói: “Con tui có cho vợ chồng tui xuống sông, ra hồ đặt lồng đâu. Nhưng tui với bà xã thấy còn khỏe thì đi thôi. Ở nhà miết thấy mệt mỏi thêm. Đi làm dù ít tiền mà có cảm giác mình chưa già”.

Công cụ đi đánh lồng, “gạy gạo” mỗi đêm của nhiều ngư dân ở làng chài nghèo

Không chỉ những người đàn ông lớn tuổi mới ra sông hồ đánh bắt thủy sản kiếm gạo. Có những “bà già gân” cũng chịu khó để kiếm ít “lộc” dưới sông hồ trước nhà. Bà Nguyễn Thị Thương (71 tuổi), ở thôn Ngọc An, trải lòng rằng trước đây mỗi đêm bà cùng chồng đi đặt lồng trong hồ gần nhà kiếm năm, bảy chục nghìn. Từ khi chồng bà mất, các con không cho bà đi làm nghề lồng nữa vì sợ những sự cố bất ngờ. Nhưng thỉnh thoảng bà vẫn thui thủi mỗi đêm đi đặt lồng. “Đặt lồng buổi tối, sáng kéo cũng không vất vả chi. Thôi kệ. Còn kiếm được đồng mô hay đồng đó”, bà Thương tâm tình.

Không “gạy gạo” ở sông hồ thì “gạy gạo” ngoài biển bằng nghề thả lưới 3 lớp. Buổi sáng đi dọc bờ biển xã Tam Tiến, dễ dàng bắt gặp những ngư dân độc hành đánh cá ven bờ. Không cần bơi thúng, chèo xuồng, với một tay lưới họ có thể kiếm cơm qua ngày. May mắn, họ có thể kiếm tiền trăm.

6 giờ sáng, chúng tôi theo chân Trần Văn Xuyên (24 tuổi) ở thôn Ngọc An, để khám phá kiểu đánh cá “gạy gạo” độc đáo này. Xuyên đứng trên bờ, thả tay lưới 3 lớp dài 55 m nối với sợi dây, rồi để sóng cuốn ra xa bờ. Gần 1 tiếng sau, chàng trai trẻ từ từ kéo lưới vô. Thành quả là những con cá căng, cá liệt, cá móm còn giãy đành đạch đóng lưới. Chỉ vào mớ cá đã gỡ hết, Xuyên nói: “Không giàu có chi nổi với cái nghề ni. Nhưng mỗi buổi chăm chỉ đánh 4 - 5 giác lưới cũng kiếm cơm được. Có bữa trúng đậm nhất khoảng 500.000 đồng”.

Những nghề đánh bắt thủy sản như Xuyên và những người già ở làng chài nghèo này chắc chắn chẳng bao giờ thoát nghèo nổi. Nhưng dù sao với họ, có việc để “gạy gạo” mỗi ngày, nhất là trong những ngày đông tháng giá thì cũng vui rồi.

Anh Xuyên thả lưới sát bờ biển để “gạy gạo”

Con sò réo gọi

Dòng sông Trường Giang chảy qua địa phận xã Tam Tiến còn được ưu đãi thêm loài “mặc áo hai mảnh” là con sò. Nghề khai thác sò rộ nhất từ tháng 2 âm lịch. Nhưng từ trước tết đã có nhiều người xuất quân đi bắt sò. Làng khai thác sò nổi tiếng nhất xã là Ngọc An. Ở đây, “đội quân” khai thác sò lên đến hơn trăm người, được đầu tư khá bài bản với mỗi chiếc ghe trang bị máy nổ trị giá trên dưới vài chục triệu đồng. Mỗi ghe thường có 2 nhân công tham gia bắt sò.

Sò có nhiều ở khúc sông Trường Giang chảy qua xã Tam Tiến, H.Núi Thành, giáp cửa biển An Hòa (Quảng Nam). Sò có quanh năm, nhưng từ tháng giêng đến mùa hè thời gian sò sinh sôi nhiều nhất.

Chàng trai Nguyễn Hữu Tiến được coi là một trong những “trùm sò” ở làng cho biết vào chính mùa sò, nhìn dưới sông náo nhiệt như hội. Dân cào sò có thể đi làm từ sáng sớm đến đầu giờ chiều hoặc từ tối đến sáng hôm sau. “Mùa sò nhiều ghe làm được tiền triệu. Nhưng phải chịu gian khổ trần ai lắm đó chú ơi”, Tiến nói. Biệt danh “trùm sò” người ta dành cho Tiến, vì một mình Tiến cũng có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày. Hỏi bí quyết, Tiến cười: “Có bí quyết chi mô. Cháu có kinh nghiệm làm nhiều năm nên biết vùng nào có nhiều sò và còn chịu cày nhiều giờ, chịu lặn ngụp ngoài sâu, nên bắt được sò nhanh hơn”. Những người không trang bị phương tiện bài bản thì tham gia bắt sò ở khu vực nước cạn. Dắt chiếc ghe men theo ven bờ đi tìm sò, chị Nguyễn Thị Mười cho biết: “Tui không có ghe máy và là phụ nữ nên chỉ làm mót ven bờ kiếm vài trăm nghìn một ngày. Có chút tiền trang trải cơm áo, rứa cũng đỡ”.

Theo chân những người cào sò ra “trận địa” sò trên sông Trường Giang, chúng tôi cảm nhận được nỗi nhọc nhằn của họ và hiểu câu nói “gian khổ trần ai” của Tiến là không ngoa chút nào. Không chỉ thức khuya, dậy sớm, mà người cào sò phải lặn ngụp trong dòng nước không sạch để cắm vợt sâu xuống lớp bùn và dùng sức kéo vợt đi để sò chui vào đáy (túi) lưới. Sò đưa lên ghe còn xen lẫn bùn đất và đủ thứ rác tạp nham, phải cần mẫn đãi cho sạch hết mới đổ vào bao để bán cho thương lái. Anh Mai Văn Nhớ tâm sự: “So với các nghề truyền thống ở dòng sông ni, thì nghề cào sò mới có mấy năm gần đây, nhưng thu nhập hơn hẳn. Nghề ni cũng cực khổ hơn nghề lưới. Sợ nhất là giẫm các vật sắc nhọn dưới sông, hoặc con hà nó cắt da thịt mình”.

Những người khai thác sò khi lên bờ, chân tay ai cũng tái nhợt, bàn chân bàn tay thì chằng chịt vết cứa và chai sần. Thậm chí, có người chân đạp vật sắc nhọn, tay bị hà sông cứa, lại tiếp xúc nước bẩn… nên bị nhiễm trùng, nhưng vết thương vừa kịp lành, họ đã lặn ngụp dưới sông khai thác sò kiếm cơm.

4 giờ chiều, chúng tôi lên bãi tập kết sò để bán cho thương lái tại bến sông ngay cầu Tam Thanh thuộc TP.Tam Kỳ. “Bữa ni được mười bao. Thu triệu hai. Sướng rồi đó”, một thương lái nói với một người bán sò. Bến sông quê chiều nhạt nắng dần, nhưng nhìn những bàn tay tái nhợt, chai sần của người làm sò đếm tiền, môi họ nở nụ cười sung sướng, lòng tôi vui xen lẫn niềm thương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.