Làng gốm cổ 300 năm ngày đêm tất bật 'chạy đua' đơn hàng Tết

08/01/2023 13:02 GMT+7

Các lò gốm ở làng gốm cổ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa, Đồng Nai ) những ngày này đang tất bật chạy đua để kịp thực hiện các đơn hàng cũng như cho ra các sản phẩm bán lẻ nhằm phục vụ người dân trong dịp Tết.

Làng gốm Tân Hạnh vốn kế thừa những giá trị của làng gốm cổ có lịch sử hơn 300 năm tại TP.Biên Hòa. Hiện nay làng gốm được quy hoạch trên diện tích hàng chục héc-ta, với một hệ thống nhà xưởng được xây dựng quy củ, tập trung gần hai chục đơn vị sản xuất gốm hoạt động dưới hình thức thành lập các hợp tác xã, công ty, xí nghiệp ở xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa.

Sản phẩm chậu gốm đang được bàn tay của những người thợ chuốt cạnh và tạo hình

La Giang

Làng gốm cổ hối hả vào mùa

Những ngày này, tại các khu vực nhà xưởng chuốt, bước đầu tiên tạo hình theo khuôn để hình thành sản phẩm gốm, chúng tôi chứng kiến nhiều nhân công đang hối hả, với đôi bàn tay nhanh nhẹn, mượt mà vuốt, xoay, cắt để cho ra càng nhiều sản phẩm càng tốt.

Trong không khí khá nóng bức và bụi với đặc thù môi trường của nghề, mặc dù có vài cây quạt gió xung quanh để làm mát, người nào người nấy mồ hôi ướt đẫm áo. Tại khu vực phơi khô sản phẩm, nhiều người thợ lại cẩn thận, nâng nhẹ, sắp xếp từng sản phẩm một để rồi chuẩn bị gọt giũa, láng mịn chúng trước khi đem đi thực hiện công đoạn tráng men...

Các nữ công nhân đang thực hiện công đoạn vẽ hoa văn cho sản phẩm gốm

la gIang

Công việc khá nặng nhọc nhưng các thợ gốm tại đây có đủ thành phần như thanh niên, trung niên, phụ nữ. Họ vốn là những người sinh sống lâu năm trong làng gốm và nghề gốm. Nếu như đàn ông thường làm những công việc nặng nhọc hơn thì phụ nữ được ưu tiên làm những công đoạn nhẹ nhàng như vẽ hoa văn, tạo họa tiết cho các sản phẩm gốm.

Với công đoạn chuốt tạo hình thì hiện nay nghề gốm đã dùng các bàn xoay tự động giúp việc chế tác thuận tiện hơn, tuy nhiên các công đoạn pha chế tạo nước men thì phải sử dụng công thức riêng, tùy theo từng màu sắc để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, hoặc việc tạo hoa văn, họa tiết thì thường rất cầu kỳ, đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ.

Công nhân đang thực hiện việc tráng men cho chậu gốm

La Giang

Sau khi được tráng men, các chậu gốm sẽ được chuyển vào lo nung suốt 48 giờ trong lò nung bằng khí gas ở nhiệt độ khoảng 1.165 độ C. Sau đó, phải chờ đến khoảng 24 giờ để nguội mới có thể ra sản phẩm. Nguồn đất sét để làm sản phẩm gốm tại đây được lấy từ vùng đất ở thị trấn Lái Thiêu, Bình Dương, khu mỏ đất đặc trưng được quy hoạch.

Lưu giữ giá trị truyền thống của nghề gốm

Anh Đoàn Văn Lâm, Phó giám đốc Công ty gốm Ngọc Thành, một trong những đơn vị sản xuất gốm lớn nhất tại đây, dẫn chúng tôi đi tham quan khắp nhiều khu nhà xưởng rộng lớn.

Anh Lâm cho biết, hiện ở đây mỗi đơn vị tham gia sản xuất đều có vốn từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng với hệ thống máy móc đang được đầu tư hiện đại dần. Mỗi lò nung bằng gas có giá hàng tỷ đồng được mua từ nước ngoài. Riêng cơ sở của anh hiện có hơn 80 thợ đang làm việc. Ngoài những sản phẩm được sản xuất công nghiệp hàng loạt, thì nhiều sản phẩm đặc trưng được khách hàng ưa chuộng được đặt hàng, được làm hoàn toàn thủ công với hoa văn, họa tiết tinh xảo.

Sản phẩm gốm đang được vẽ họa tiết trước khi chuyển vào lò nung

La giang

Anh Lâm cũng cho biết, sản phẩm gốm chủ lực tại đây hiện này là dòng chậu cây kiểng, thường được đặt hàng theo đơn trong năm, đến mùa Tết thì đắt hàng hơn, nhiều dòng sản phẩm còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Theo đó với các sản phẩm tương đối đơn giản thì mỗi ngày trung bình một thợ làm ra khoảng chục sản phẩm thô, riêng với đơn đặt hàng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ thuật điêu luyện thì các thợ chuyên nghiệp, nghệ nhân phải bỏ nhiều công sức. Hiện thu nhập trung bình của nhân công tại đây khoảng 7-8 triệu đồng/tháng.

Cách nay 2 tháng, chúng tôi tham gia đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, cùng ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy và bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh và các lãnh đạo các sở, ngành liên quan cũng như lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa khảo sát tình hình sản xuất tại làng gốm Tân Hạnh. Tại đây, ông Nguyễn Viết Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai đã chia sẻ về những thành quả gặt hái được sau khi làng nghề truyền thống này được quy hoạch lại, bên cạnh đó cũng nêu một số khó khăn như tình hình xuất khẩu sau dịch Covid-19 và việc đào tạo truyền nghề cho lao động trẻ hiện còn gặp khó khăn.

Trên thực tế, việc quy hoạch các vùng làm nghề gốm cổ ở TP.Biên Hòa về một điểm tại Tân Hạnh vốn đã phải trải qua thời gian dài và gặp nhiều vướng mắc. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh đã lưu ý với đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai ghi nhận, rà soát, xây dựng phương án phù hợp để tạo không gian lưu giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống lâu đời, kết hợp thúc đẩy phát triển kinh tế nghề gốm ngày càng vững mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.