Lăng kính Bạn đọc: Công an cần vào cuộc làm rõ dấu hiệu trục lợi BHYT

02/08/2019 05:00 GMT+7

Thông tin về bệnh nhân N.T.K (53 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) trong 1 năm đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế lên đến 149 lần ở nhiều bệnh viện tại TP.HCM, đã khiến nhiều bạn đọc choáng váng.

Càng sốc hơn khi biết, ngoài ông K., năm 2018 còn có 157 người khác đi khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) đến... 150 lần/năm cho mỗi người!

Chi 102 triệu đồng/người, 158 người thì bao nhiêu ?

“Bản thân tôi tái khám sớm 2 ngày so với phiếu hẹn tái khám sau 28 ngày thì bị rạch ròi, yêu cầu nộp lại 2 ngày thuốc chưa sử dụng... Lên, xuống, qua lại mấy tua có chữ ký mới được khám. Tại sao lại có chuyện BN khám liên tục, nhiều nơi mà không phát hiện? Chuyện kết nối mạng giữa các BV trong tỉnh, toàn quốc để quản lý BN có BHYT không làm được vì không có khả năng hay kinh phí? Quản lý kém thì thiên hạ lợi dụng là chuyện bình thường”.

Dương Văn Tuấn (Khánh Hòa)

Nhiều bạn đọc (BĐ) đã sững sờ không tin được những con số trên là sự thật, dù nó được Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM đưa ra. Theo BHXH, trong năm 2018, ông K. đã sử dụng thẻ BHYT trên đến KCB tại rất nhiều cơ sở… với tổng cộng 149 lượt khám, tổng số tiền KCB BHYT chi là hơn 102 triệu đồng.
BĐ Nguyen Van Giau (TP.HCM) bức xúc: “KCB 150 lần/năm, tính ra mỗi tháng mỗi người đi KCB 12,5 lần, mỗi tuần gần 3 lần. Đúng là bệnh chuyên nghiệp, khám bệnh chuyên nghiệp rồi! Đề nghị kiểm tra 150 người trên xem thế nào”. BĐ Hoài Nguyễn (Đồng Nai) cũng tạm tính: “Chi cho ông K. năm 2018 hơn 102 triệu đồng, mà có đến hơn 150 người như ông K., tạm tính ai cũng phải chi như ông K., tính ra đến 15,3 tỉ đồng. Khủng khiếp!”.
Nhiều BĐ khác vẫn không tin vì sao có thể KCB nhiều đến thế. BĐ Hưng Lý (Đà Nẵng) cho biết: “Bất đắc dĩ mới đi khám bệnh. Chẳng hiểu sao bác này lại thích đi khám thế nhỉ, không hiểu nổi”. BĐ Ch78 (Hà Nội) thì hoài nghi: “Ông này có đi KCB BHYT cả ngày cũng chẳng có sức như vậy đâu, khám BHYT xếp hàng hết cả buổi mới tới lượt. Có khi nào số thẻ BHYT của ông này bị lấy rồi khám chữa khống không?”. Tương tự, BĐ Ha Thanh (TP.HCM) cũng đặt nghi vấn việc trục lợi BHYT, bởi vì ông K. không thể uống hết số thuốc cấp cho mình.

Tại sao chậm liên thông dữ liệu ?

“Để thuốc BHYT đến với BN một cách thực thụ và giảm áp lực cho quỹ BHYT, xin đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu phương án thống nhất danh mục thuốc khám BHYT phân biệt với các loại thuốc khác bằng bao bì, nhãn hiệu, màu sắc... riêng biệt chỉ để phục vụ cho KCB BHYT”.

Đỗ Tấn Duyệt (Phú Yên)

Nhiều BĐ đề nghị công an vào cuộc làm rõ việc KCB nhiều bất thường của hơn 150 người trên, số thuốc được cấp đi đâu, có hay không việc khám khống… để trục lợi BHYT.
Điều khiến nhiều BĐ bức xúc nữa là tại sao không có sự liên thông dữ liệu trong ngành y tế và giữa các bệnh viện (BV) với nhau? BĐ An (Cao Bằng) cho biết: “Từ lâu tôi đã biết BHYT đâu có liên thông nhau nên khi đi KCB đòi phải có thẻ BHYT mới được khám. Chứ nếu quản lý tập trung thì chỉ cần số CMND là sẽ biết được BHYT của người ta rồi”.
BĐ bsquolong (TP.HCM) đề xuất: “Bộ Y tế cần xem lại chính sách thông tuyến. Ví dụ bệnh nhân (BN) đó đã đến khám BV A rồi, khi đến BV B thì số mã BHYT này hiện lên dòng chữ Bệnh nhân đang điều trị này đã khám ở BV A và nhất thiết không cho đăng nhập khám tiếp, trừ cấp cứu. Chỉ được khám khi trở lại BV A đã khám, khi BN trong ngày bệnh có xu hướng nặng hơn, và nhất thiết mã số BN này hiện lên dòng chữ Hiện tại toa thuốc bệnh nhân còn sử dụng đến ngày... nhằm tránh lạm dụng cũng như tránh thuốc trùng lặp khiến BN bị quá liều”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.