Lăng kính Bạn đọc: Đau lòng khi 'tội ác mang gương mặt trẻ con'

30/09/2019 05:30 GMT+7

Trước tòa, 'tội phạm trẻ con' trả lời dửng dưng, lạnh lùng… về tội ác của mình.

Nhiều bạn đọc sau khi xem bài viết Tội ác mang gương mặt trẻ con đăng trên Thanh Niên ngày 29.9 đã muốn rơi nước mắt thương cho chàng sinh viên nghèo chết sớm, và quá đau lòng vì kẻ giết người là “trẻ con” mới hơn 15 tuổi khi gây án...
Theo cáo trạng, do muốn có xe máy đi lại nhưng không có tiền mua, L.M.T (sinh 18.4.2003, ngụ Q.6, TP.HCM) nảy sinh ý định cướp xe. Ngày 18.10.2018, T. nhắn tin cho bạn gái hỏi thích xe gì thì được trả lời thích loại xe hiệu Exciter.
T. lên kế hoạch, sau đó tiếp cận tài xế GrabBike L.N.H, đặt chuyến xe của H. Trên đường đi, T. rút dao kê vào bụng H. đe dọa để cướp xe. Nạn nhân kháng cự, T. dùng dao đâm liên tiếp đến khi H. không còn cử động. Viện KSND TP.HCM truy tố T. về tội giết người, khung hình phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Hai người con, hai thái cực

Nếu như nạn nhân là người con sinh viên ham học, hiếu thảo, dành tiền mua xe trả góp để chạy Grab kiếm tiền phụ mẹ, thì kẻ giết người lại sống đua đòi, nghe bạn gái thích xe máy thì lên kế hoạch cướp xe. Trước tòa, “tội phạm trẻ con” này trả lời dửng dưng, lạnh lùng… trước tội ác của mình.

“Các cơ quan lập pháp nên quan tâm nhiều hơn nữa về vấn đề trẻ hóa tội phạm để thay đổi luật cho phù hợp. Theo tôi, nên áp dụng khung hình phạt cao nhất là tù chung thân cho tội phạm vị thành niên đối với các hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và không có dấu hiệu có thể cải tạo (không hối hận, ăn năn...)”.

Hồ Tiến Vũ (TP.HCM)

“Thương em quá... Mình cũng có con đang học đại học... Mỗi ngày đều cầu nguyện bình an đến với con”, bạn đọc (BĐ) Thu Sương (Thừa Thiên-Huế) viết. BĐ Bong Bet (TP.HCM) chia sẻ: Đọc rồi khóc luôn, mong chị (mẹ của nạn nhân - NV) vượt qua nỗi đau này.

“Em T. còn quá nhỏ, chỉ mới hơn 15 tuổi khi gây án giết người, nên hãy cho em một cơ hội sống để sửa sai. Không thể nói em T. "hết thuốc chữa", không thể thay đổi mà không cho em một cơ hội để làm lại cuộc đời. Phật còn nói "quay đầu là bờ" mà”.

Thathu (Đồng Nai)

BĐ Nguyen Van Giau (TP.HCM) bức xúc bày tỏ: Đọc xong bài viết mà muốn khóc, thương cho chàng sinh viên nghèo hiếu thảo, biết làm việc... lại bị giết, thương cho người mẹ mất đứa con mà bà rất yêu thương... Lại càng giận kẻ "trẻ con" giết người kia quá ác độc, không thấy chút hối hận... Đau lòng quá.

Xử thế nào cho đáng ?

BĐ Giáo Già (Phú Yên) đặt câu hỏi: Các nhà giáo dục, xã hội... có trách nhiệm gì về những trường hợp này? BĐ VanThanh (Bình Phước) nhận định: Vụ án đau lòng này cho thấy vai trò của giáo dục gia đình và nhà trường rất lớn. Mới hơn 15 tuổi mà T. đã giết người, không thấy nói học hành ở đâu, gia đình thế nào... Tuổi này phải đi học, gia đình chăm sóc dạy dỗ... chứ sao lại đua đòi xe máy, bạn gái mà giết người? BĐ Người Qua Đường (TP.HCM) thì cho rằng gia đình kẻ thủ ác phải chịu trách nhiệm chính.

“Không thể đọc hết bài viết. Bất kỳ ai còn có lương tri trong xã hội này đều căm phẫn. Những thành phần này còn hối cải, thức tỉnh nổi không?”.

Steven Nguyễn (TP.HCM)

Cùng quan điểm, BĐ Lenam098 (Đồng Tháp) đặt vấn đề: Trong nhiều vụ án, đây có hẳn là trẻ em không? Như vụ Lê Văn Luyện, “trẻ con” giết chết cả nhà người lớn. Họ có hẳn là trẻ em không, hay chúng ta đang quá lạc hậu, cứng nhắc? Quy định có thể sửa, nhưng mạng người không thể trả lại.
Trong khi đó, BĐ Hoai An (TP.HCM) cho rằng dù còn ở tuổi vị thành niên nhưng tội ác thật đáng sợ, đề nghị xử nhẹ nhất là tù chung thân. Nhiều BĐ khác thì đề nghị xử thật nặng, kể cả tử hình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.