Lăng kính bạn đọc: Để bữa ăn bán trú thêm ngon

Kim Lan
Kim Lan
30/10/2022 06:19 GMT+7

Bạn đọc Báo Thanh Niên cũng 'căng não' cùng một nữ hiệu trưởng trường mẫu giáo khi nhắc đến thực đơn bữa ăn bán trú, gồm bữa trưa, bữa xế và một cữ sữa uống buổi sáng, với mức chi chỉ 27.000 đồng.

Như Thanh Niên đề cập trong bài viết “Căng não” với bữa ăn bán trú 27.000 đồng, bà Lý Thị Kim Nga, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Bông Sen 1 (H.Hóc Môn, TP.HCM) cho hay để đảm bảo thực đơn được xây dựng theo nguyên tắc không trùng lắp trong 2 tuần và đảm bảo khoảng 3 bữa cá/tuần thì nhà trường phải “căng não” để lên thực đơn, tính lượng calo, cân đối tiền ăn, với mức chi chỉ 27.000 đồng cho mỗi suất/ngày. Và dù đã rất “căng não”, nhưng trường Bông Sen 1 cũng chỉ lo bữa trưa hằng ngày cho các bé “hầu như chỉ có 3 món là cơm, canh và đồ mặn, hôm nào cân đối được thì có thêm món xào”.

Bữa ăn của học sinh Trường mẫu giáo Bông Sen 1 (H.Hóc Môn, TP.HCM) có cơm, canh rau, thịt kho mặn với giá 27.000 đồng/ngày gồm cả bữa xế

B.Thanh

Theo bà Lý Thị Kim Nga, UBND H.Hóc Môn đồng ý cho thu mức tiền ăn mỗi ngày (không bao gồm bữa sáng) tối đa là 28.000 đồng, nhưng do trường đóng ở khu vực mà phụ huynh đều là lao động tự do nên trường chỉ thu 27.000 đồng. “Mức thu này đã giữ nguyên từ 3 năm nay. Sau dịch bệnh, vật giá tăng, muốn xin phụ huynh tăng thêm 1.000 đồng mà không dám vì ai cũng khó khăn”, bà Nga nói.

Hỗ trợ cách nào ?

Nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên chia sẻ sự cảm thông với các cô giáo mầm non. BĐ Nguyễn Đức Trí góp ý: “Tôi thấy thực phẩm bán tại các chợ đầu mối khá rẻ, nhà trường nên ký hợp đồng trực tiếp với các tiểu thương nếu không thể yêu cầu phụ huynh tăng thêm tiền ăn. Nhà trường nấu ăn với số lượng lớn và thường xuyên nên việc mua thực phẩm từ chợ đầu mối hẳn sẽ rẻ hơn nhiều, giải quyết được vấn đề”. Tuy nhiên, ý kiến này được nhiều BĐ chỉ ra các “vướng mắc” khi áp dụng vào thực tế. BĐ ngkhanh.vu phân tích: “Đúng là tìm mua từ tiểu thương chợ đầu mối thì rẻ, nhưng giấy tờ kiểm định, hóa đơn, sổ theo dõi xuất nhập hàng hóa khó đáp ứng đủ yêu cầu bên nhà trường, mà điều này là bắt buộc theo quy định của ngành giáo dục và y tế”.

Tôi nghĩ rằng ở bậc mầm non ngành giáo dục chú trọng đến việc phát triển của trẻ, hơn là việc quá chú trọng đến cơ sở vật chất… Là phụ huynh tôi đồng tình với việc nhà trường thu thêm tiền ăn để bổ sung dinh dưỡng cho các con.

Trinhbuithuongvan

Tôi nghĩ các phụ huynh nên thỏa thuận với trường tăng thêm tiền ăn cho các con. Nếu căng não riết cũng chọn những thứ ít dinh dưỡng hay kém chất lượng mới có giá mềm thôi.

Ha

Chính quyền địa phương có thể chủ động kêu gọi xây dựng các quỹ hỗ trợ không? Kiểu như quỹ khuyến học, nhưng là “khuyến phẩm”.

Trung Chính

Do tính chất đặc thù địa bàn, có thể việc vận động phụ huynh đóng thêm tiền ăn bán trú không dễ thực hiện, vậy còn cách nào để hỗ trợ nhà trường? BĐ Thương băn khoăn: “Trẻ em là tương lai của đất nước. Hy vọng nhà nước hỗ trợ thêm tiền ăn cho các bé để các bé được uống sữa và ăn uống đầy đủ chất hơn”. Tán thành, BĐ Ha đề xuất thêm giải pháp: “Phần lớn thời gian bé sinh hoạt trong nhà trường cần nhiều năng lượng để vận động, nên các công ty sữa, công ty thực phẩm có thể hỗ trợ thêm, xem như là công tác xã hội, thậm chí là mục đích quảng cáo, cho các trường thuộc khu vực khó khăn”.

Phụ huynh “xắn tay áo”

“Dù chi phí ăn uống cao cũng phải cho trẻ em ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, cơ thể mới phát triển. Vấn đề này nhà trường phải họp với phụ huynh để có sự đồng thuận, không ai muốn con mình bị suy dinh dưỡng”, BĐ Phuc Nguyen nêu ý kiến. Đã đến lúc phụ huynh “xắn tay áo” cùng nhà trường giải quyết câu chuyện “căng não”, vì đôi khi “nhiều người cùng nghĩ giải pháp thì sáng nước hơn”.

BĐ Phương Phạm nêu: “Ai cũng muốn con mình được chăm sóc chu đáo, ăn uống ngon lành, đủ chất. Nhưng khi nhà trường đề nghị thu thêm thì phụ huynh lại ngại ngần?”. Tâm lý ngại ngần không hẳn chỉ vì “đặc thù địa bàn”. Đã từng xảy ra những câu chuyện không hay xuất hiện từ bếp ăn bán trú khiến nhiều phụ huynh muốn “tự tay kiểm tra mỗi ngày”. BĐ Minh Nghĩa cho rằng: “Muốn phụ huynh thực sự xắn tay áo giải quyết câu chuyện “căng não” cho nhà trường thì hai bên cần có thời gian mở lòng với nhau nhiều hơn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.