Học sinh TP.HCM có những món gì trong bữa ăn bán trú?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
27/10/2022 14:15 GMT+7

Giờ ăn bán trú ở mỗi trường học như thế nào? Các học sinh ăn những món gì, và đâu là những cách sáng tạo trong tổ chức bữa ăn để trẻ học được nhiều điều hay?

Học sinh Trường Song ngữ Quốc tế Canada, TP.HCM trong ngày ăn chay của tháng
T.H

Bữa ăn bán trú của trẻ mầm non

Có mặt tại giờ ăn trưa của các bé lớp 4 tuổi, Trường mầm non Thành phố (đường Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM) trưa 27.10 chúng tôi quan sát các bé chủ động cầm khay tới bàn nhận đồ ăn và tự bưng khay cơm về chỗ ngồi của mình.

Khẩu phần ăn của mỗi bé gồm cơm trắng, phi lê cá tẩm bột chiên kèm xốt maiyonnaise, rau bắp cải luộc, canh bí đỏ thịt bằm, tráng miệng chuối cau. Cơm, đồ ăn luôn có dư, các bé nào muốn ăn thêm sẽ được cô giáo lấy thêm. Cô giáo cho biết phi lê cá chiên với xốt maiyonnaise là món luôn được các trẻ rất yêu thích.

Bữa trưa của trẻ 4 tuổi ở Trường mầm non Thành phố, Q.3, TP.HCM

tHÚY hằng

Tại Trường mầm non Ngôi làng vui vẻ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, tiền ăn mỗi ngày của mỗi trẻ là 60.000 đồng (bao gồm bữa sáng, trưa, xế, có uống sữa). Thông thường, các con sẽ ăn cơm khay, các bé xếp hàng, cầm khay tới bàn để đồ ăn và lấy đồ ăn vào khay của mình.

Mỗi tháng một lần, trẻ em của trường được ăn buffet và ăn cơm theo mô hình “Bữa cơm gia đình”.

Nhà bếp Trường mầm non Ngôi làng vui vẻ sạch sẽ, các món ăn được bọc kín trước khi mang tới cho trẻ
Bữa ăn buffet của trẻ Trường mầm non Ngôi làng vui vẻ, Q.Bình Thạnh
Bữa ăn trưa mô hình "Bữa cơm gia đình"
thúy hằng

Tại Trường mầm non Việt Đức 7 và Trường mầm non Việt Đức 7 Plus (P.16, Q.8, TP.HCM) ngoài các bữa ăn bán trú thông thường, trẻ được ăn Bento (cơm hộp kiểu Nhật Bản) 1 tuần 2 lần. Các món cơm nắm, trái cây, rau củ, đồ ăn mặn… được trang trí sinh động, để trên bàn ăn. Mỗi trẻ sẽ cầm khay cơm có từng ngăn riêng của mình tới, tự trang trí thành một Bento đẹp mắt.

Bữa trưa Bento của trẻ Trường mầm non Việt Đức, Q.8, TP.HCM

Những bữa ăn tự phục vụ

Tại trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM, học sinh xếp hàng, tự lấy cơm ở nhà ăn. Ngày chúng tôi tới thăm trường, thực đơn của các em gồm có cơm, gà tẩm bột chiên, rau củ xào, canh rau với thịt bằm, tráng miệng chuối cau. Cơm, canh luôn có dư, học trò nào ăn thêm sẽ được các thầy cô lấy thêm.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn xếp hàng lấy đồ ăn trưa
thúy hằng
Cơm, canh luôn có sẵn khi các con muốn ăn thêm
thúy hằng
Bữa ăn vui vẻ của học sinh Trường tiểu học Thái Hưng, Q.8
thúy hằng

Tại Trường tiểu học Thái Hưng, Q.8, TP.HCM, khi đơn vị cung cấp suất ăn mang đồ ăn tới, học trò lần lượt xếp hàng, tự cầm khay cơm của mình về bàn. Với giá tiền ăn 30.000 đồng/ngày (bao gồm bữa trưa, xế, nước uống), trong khay cơm trưa của các em có thịt kho, cá kho, canh bí đỏ, rau xào, đồ tráng miệng.

Ăn chay để ý thức được vấn đề toàn cầu

Tại Trường Song ngữ Quốc tế Canada (BCIS, TP.HCM) bắt đầu từ tháng 10.2022 có 1 ngày ăn chay trong tháng với nhiều món chay khác nhau.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng BCIS, cho biết bữa ăn chay là một cách giáo dục sức khỏe cho học sinh về dinh dưỡng cân bằng, đồng thời nhằm tạo cho học sinh tư duy về những vấn đề toàn cầu.

Những món chay phong phú trong ngày ăn chay

Như vấn đề lượng thịt tiêu thụ trên toàn cầu ngày càng tăng, các khu rừng nhiệt đới đang dần bị tàn phá để thành trang trại nuôi heo, bò; hải sản bị săn bắt quá mức… dẫn tới mất cân bằng hệ sinh thái, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của con người. Bữa ăn chay từ đó giúp học sinh hiểu về phát triển bền vững, về tác động từ những việc làm của mỗi cá nhân đối với thế giới...

Poll TNO
Đánh giá cơm bán trú trường học

Yêu cầu gì cho những bữa ăn của trẻ?

Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết thời gian qua Sở GD-ĐT TP.HCM đẩy mạnh chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm". Trong đó không chỉ có các nội dung giáo dục mà còn các nội dung liên quan đến nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Một trong những nội dung liên quan đến nuôi dưỡng đó chính là việc tổ chức giờ ăn cho trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm.

Chăm sóc sức khỏe cho trẻ, giúp trẻ ăn ngon, chóng lớn là mục tiêu mà các cơ sở giáo dục mầm non luôn quan tâm. Mỗi bữa ăn tại trường trước hết phải đảm bảo sự đa dạng, phong phú, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cân bằng dinh dưỡng, hương vị - màu sắc - mùi vị - cách chế biến phù hợp với trẻ nhỏ.

Với phương châm “lấy trẻ làm trung tâm”, tùy theo độ tuổi giáo viên đóng vai trò là người quan sát, hướng dẫn, hỗ trợ hay chăm trẻ trong giờ ăn. Qua giờ ăn, trẻ không chỉ có được những kỹ năng cần thiết trong ăn uống thông qua hoạt động trải nghiệm: tự phục vụ, cùng bạn bè chuẩn bị bàn ăn, sắp xếp bàn ăn sao cho đẹp mắt, biết xếp hàng, thực hiện các thao tác tự xới cơm, gắp thức ăn, lấy thức ăn mình thích, lựa chọn món ăn theo ý thích.

Các bé biết sử dụng thành thạo các dụng cụ ăn uống, biết tự phục vụ bản thân và hỗ trợ bạn, tự mình ăn hết suất một cách vui vẻ và thân thiện... Trẻ cũng học được các hành vi văn minh trong ăn uống: không làm rơi, đổ hoặc để dư thức ăn, khi ăn phải nhai kỹ, nhẹ nhàng không được nhai nhồm nhoàm, không nói chuyện ồn ào trong giờ ăn, không lấy tay bốc thức ăn, khi hắt hơi phải quay ra ngoài...

Chính thái độ của trẻ đối với những điều đơn giản hằng ngày trong bữa ăn bán trú sẽ dần trở thành thói quen, sẽ giáo dục trẻ biết tự phục vụ, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân, biết tôn trọng những giá trị cuộc sống xung quanh mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.