Làng 'lạ' làm chổi đót ở TP.HCM đón Tết: Đưa cả chổi 'xuất ngoại', kiếm tiền ăn Tết

20/01/2023 13:02 GMT+7

Làng chổi đót ở Q.6, TP.HCM những ngày tháng chạp không khí tất bật vì đơn hàng tăng cao so với ngày thường. Công việc bụi bặm, thủ công là vậy nhưng không khí những ngày cận Tết rộn ràng khắp con hẻm nhỏ.

Làng nghề làm chổi đót không biết xuất hiện từ khi nào ở TP.HCM, nhưng những người làm nghề lâu năm nhất ở đây cho biết đã bắt đầu nghề được hơn 30 năm. Trước đó, thế hệ cha mẹ cũng từng theo công việc này.

Có người nói rằng nghề làm chổi đót bắt đầu từ người dân H.Đức Phổ, Quảng Ngãi mang theo nghề khi di cư vào miền Nam lập nghiệp. Nhưng cũng có người ở làng nghề cho rằng, người miền Trung vào TP.HCM lập nghiệp, mang theo công việc này quay trở lại quê hương.

Làng làm chổi đót ở TP.HCM tất bật vào vụ Tết

Nghề nuôi cả gia đình

Làng làm chổi đót ở trong khu hẻm 192 đường Phạm Phú Thứ (Q.6) và một số hẻm nhánh xung quanh. Theo quan sát, có khoảng chục hộ với nhiều nhân công đang tất bật các công đoạn để ra chiếc chổi hoàn thiện vào những ngày giáp Tết.

Làng nghề làm chổi đót đến nay đã có thế hệ thứ hai kế thừa với tuổi đời hơn 40 năm
vũ phượng

Bà Huỳnh Thị Kim Thảnh (60 tuổi, quê Quảng Ngãi) có 40 năm theo nghề cho biết, từ ngày rời quê lấy chồng Sài Gòn và sinh sống tại đây mới biết đến công việc này. Trước đó, thế hệ trước của gia đình chồng cũng làm chổi đót, đến vợ chồng bà là đời thứ hai.

“Nhưng đời con tôi thì không theo nghề này nữa. Nghề cực quá mà, bụi nữa, lấy công làm lời thôi”, bà Thảnh cười, tay vẫn thoăn thoắt bó từng lọn chổi.

Ngày Tết, khối lượng công việc của bà Thảnh tăng gấp 2 - 3 lần ngày thường
vũ phượng

Theo bà Thảnh, tháng Tết thường có đơn đặt hàng gấp đôi, gấp ba ngày thường nên vợ chồng bà phải dậy từ 5 giờ sáng, làm một lèo đến 18 giờ mới dọn dẹp. Nhưng thời kỳ hoàng kim của nghề thì vào khoảng 5 năm trước, ở làng làm chổi mọi người dậy từ 4 giờ sáng, làm tới 21 – 22 giờ mới xong việc.

Giá mỗi chiếc chổi bà Thảnh bỏ mối ở chợ dao động 30.000 – 40.000 đồng/cái hoặc cao tùy theo đơn đặt hàng. “Chổi đặc biệt có thể lên đến giá 80.000 đồng/cái, đó là chổi bông tốt, lá nhiều, được người làm lựa những bông đót đẹp, dày lá. Nghề này không giàu, cũng không nghèo, đủ sống nuôi gia đình, con cái ăn học đến ngày hôm nay”, bà nói.

Không khí tất bật ở làng làm chổi đót
vũ phượng

Không có không gian rộng, vợ chồng bà Thảnh chỉ làm quy mô gia đình, mua sẵn bông đót đã tước để tiết kiệm thời gian. Dù nhiều việc nhưng muộn nhất đến 25 tháng chạp bà sẽ dọn dẹp để lo cúng kiếng, nghỉ Tết.

Làng nhang ngoại ô TP.HCM ngày giáp tết: Mỗi ngày sản xuất cả ngàn thiên

Làm chổi đót xuất ngoại

Gần đó, bà Nguyễn Thị Thu Hồng (52 tuổi) cũng đang ngồi chặt đầu, chặt đuôi để cây chổi nhìn đều đặn, bắt mắt hơn. Bà Hồng là chủ của cơ sở làm chổi có 10 nhân công, nhưng bà cũng tham gia làm tất cả các khâu để đẩy nhanh tiến độ.

Bà Hồng ngày trước đi làm thuê, sau này mở cơ sở riêng làm chổi với 10 nhân công

vũ phượng

Bà Hồng cho hay, chổi đót được làm thủ công 100%, sau khi mua bông đót ở vùng núi, do những người dân tộc vào rừng cắt về, thì người làm chổi sẽ qua 6 công đoạn: xé đót, làm tua, cột lọn, bện chổi, chặt đầu chặt đuôi và cuối cùng là cột lại thành bó.

Xung quanh khu vực làm chổi, bụi đót bay khắp nơi, do đó, những người làm thường mặc 2 – 3 chiếc áo để khi nào ngứa thì cởi lớp ngoài ra. “Từ nhỏ sống trong làng nghề nên tôi biết nghề. Tôi cũng không ăn học tới nơi tới chốn, mẹ chồng làm nghề này nên sau khi làm thuê biết nghề thì tôi tự làm luôn. Chổi ở đây vừa xuất khẩu, vừa bán chợ và làm theo đặt hàng riêng của khách”, bà Hồng nói.

Người làm chổi thường mặc áo khoác để chống bụi bặm từ bông đót
vũ phượng

Theo lời bà chủ cơ sở làm chổi đót, ai cũng nghĩ rằng chổi xuất khẩu sẽ được giá, nhưng không phải vậy. Vì qua trung gian nhiều bước, nên chổi của nhà bà xuất đi Úc, đi Mỹ có giá rẻ hơn so với hàng bán giao đến chợ. Với giá thành khác nhau, số lọn chổi cũng sẽ khác nhau.

“Nghề này đói không đói, giàu không giàu, nhưng tự do thời gian. Ngày tôi vừa vào nghề đi làm công, tước một bó chổi được trả 12.000 đồng, còn ngày nay đã lên cả trăm ngàn rồi”, bà Hồng so sánh.

Bà Huệ có hơn 30 năm làm chổi đót
vũ phượng

Bà Nguyễn Ngọc Huệ (67 tuổi) thì kể, ngày trước cả con hẻm gần như nhà nào cũng làm chổi. Con hẻm ngày trước nhỏ hơn nên nhà này ngồi trong nhà là thấy nhà đối diện cũng đang làm. Theo thời gian, nghề dần mai một, đến nay chỉ còn lại vài nhà gắn bó với nghề.

Bà Huệ chủ yếu làm công đoạn cột lọn chổi, cứ 1.000 lọn được trả công 100.000 đồng, mỗi ngày làm 8 tiếng bà cột được khoảng 2.000 lọn chổi như vậy. “Tôi có hơn 30 năm làm nghề chổi đót, gắn bó được vì thấy nghề cũng đủ nuôi gia đình, kiếm sống qua ngày, khi có việc chạy tới lui được. Giờ làm tính năng suất nên tay nghề càng lâu năm thì lại càng năng suất”, bà chia sẻ.

Để làm ra cây chổi hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn nhọc công, đòi hỏi chăm chút từng thao tác
vũ phượng
Cây đót thường được thu mua vào đầu tháng giêng đến tháng hai âm lịch từ khu vực Tây Nguyên
vũ phượng

Tết đến, nhu cầu người dân mua chổi mới dọn dẹp nhà cửa nhiều hơn nên các hộ ở làng làm chổi đót chủ yếu làm theo đơn đặt hàng ở chợ. Một số khách quen đến tận nơi để đặt chiếc chổi dày dặn theo yêu cầu. Làng làm chổi đót lại tất bật, vì một mùa Tết ấm no.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.