Nếu bạn chưa biết phá Tam Giang của miền đất “mặt trời lên từ phía nón em nghiêng”, có thể hình dung qua câu ca: "Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang".
Người ta bảo cá tôm ở phá Tam Giang là “vàng sống” vì nó phong phú, nhiều vô kể, tạo sinh kế cho bao gia đình từ xưa đến nay
|
"Truông nhà Hồ" thì chắc ai cũng biết rồi. Đây là khu rừng dữ, từng là nơi ẩn trú của lục lâm thảo khấu trên con đường thiên lý Bắc Nam đoạn chạy ngang tỉnh Quảng Trị. Vậy còn vì sao người xưa lại sợ phá Tam Giang đến mức ám ảnh như thế? Thống kê về mặt địa lý, phá Tam Giang có chiều dài 24km, diện tích 52km2, theo hướng Tây Tây Bắc - Đông Đông Nam từ cửa sông Ô Lâu đến sông Hương, ra cửa biển Thuận An, thuộc địa phận 12 xã của 3 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đây là một trong những đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Tôi từng nghe kể, trên đầm phá này xa xưa cũng có lục lâm thảo khấu (dân gian còn gọi là “rợ đầm”). Người dân thuở trước đi ghe nhỏ trên đầm phá, nếu vào mùa mưa bão dữ dội, thì đi hoài cũng không đến được bờ. Có lẽ nỗi ám ảnh sợ phá Tam Giang là vì thế.
Nhưng mà bây giờ nỗi ám ảnh ấy đã không còn nữa, mà Tam Giang lại lừng danh với không gian lãng mạn sóng nước cùng bao món ngon được đánh bắt từ đầm phá này. Người ta bảo cá tôm ở phá Tam Giang là “vàng sống” vì nó phong phú, nhiều vô kể, tạo sinh kế cho bao gia đình từ xưa đến nay. Nhờ nguồn nước lợ (trộn lẫn tự nhiên giữa nước sông và nước biển) nên cá mú, cá hồng, cá nâu, cá dìa, tôm, cua, ghẹ, ếch, nghêu sò ốc hến… đều đặc biệt thơm ngon lạ thường.
Nếu khách phương xa đến Huế, chỉ cần gọi taxi hay xe ôm, bảo chở về phá Tam Giang ăn hải sản, thì đảm bảo không có ai chạy lạc đường
|
Có người cho rằng Huế là tặng vật của thiên nhiên dành cho Tổ quốc với nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt diệu. Riêng với người dân miền Trung đêm ngày vật lộn với thiên tai khắc nghiệt để sinh tồn và phát triển, Huế là một sự đền bồi cho những thiệt thòi họ gánh chịu, như gia đình nghèo mà may mắn sinh được con gái đẹp vậy! Tôi thì nghĩ các loại hải sản trên phá Tam Giang là tặng vật của thiên nhiên dành riêng cho Huế.
Nếu khách phương xa đến Huế, chỉ cần gọi taxi hay xe ôm, bảo chở về phá Tam Giang ăn hải sản, thì đảm bảo không có ai chạy lạc đường. Đặc điểm đầm phá trải rộng qua nhiều xã, nhiều huyện nên có rất nhiều ngã đường từ nội thành Huế để đến đây. Ven đầm phá xuất hiện rất nhiều hàng quán bán đặc sản tôm cá. Sau một hồi đi thuyền dọc ngang con phá, không gì thú vị bằng ghé lại một quán ăn nào đó nằm cạnh những bến đò ngang, thưởng thức những đặc sản quý hiếm mà chỉ ở đầm phá này mới có. Cá, tôm, ghẹ tươi roi rói và nhảy tanh tách, thịt đặc biệt thơm ngọt.
Cá, tôm, ghẹ tươi roi rói và nhảy tanh tách, thịt đặc biệt thơm ngọt
|
Tôi thấy bây giờ nhiều người thích “ăn sang”, nhưng ở Huế, người ta không chỉ thích “ăn sang”, mà còn thích “ăn đẹp” nữa. Cũng như dòng sông Hương “sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”, phá Tam Giang cũng là một địa danh từ lâu cũng đi vào thơ, nhạc, họa… Mặt nước mùa hè hiền hòa mênh mang một không gian rộng lớn hoang sơ tạo nên vô vàn cảnh đẹp ngoạn mục những sớm bình minh, những lúc ráng chiều, và đặc biệt là vằng vặc, ảo diệu giữa những đêm trăng.
Đến nơi đây đoan chắc là bạn sẽ có cảm giác thật sự lãng mạn với những món ngon hải sản, mà tôi nghĩ là ngon nhất Việt Nam.
Đình Sơn
(thực hiện)
Bình luận (0)