Làng nặn tượng Táo quân

25/01/2022 08:21 GMT+7

Ở Thừa Thiên - Huế có ngôi làng kỳ lạ: người dân quần quật cả năm đi đào đất sét, cất trữ, nặn thành tượng để bán dùng trong lễ đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp).

Đào đất cả năm, bán tượng một ngày

Từ chợ Đông Ba, trung tâm TP.Huế, đi theo đường Huỳnh Thúc Kháng chạy dọc bờ sông đào Đông Ba chừng hơn 3 km là đến địa phận của phố cổ Bao Vinh. Từ xa, đã nghe tiếng gõ lọc cọc từ những chiếc khuôn đúc tượng. Khắp làng, những lò nung cay nồng vị đất thi nhau tỏa khói...

Ngôi làng kỳ lạ cả năm đào đất nặn tượng bán cho một ngày

Những ngày cận tết, làng Địa Linh rộn ràng âm thanh.

Làng nay thuộc P.Hương Vinh (TP.Huế), nằm phía đông bắc Kinh thành Huế. Gia đình ông Võ Văn Nam (63 tuổi, ở làng Địa Linh) có bốn anh em trai vẫn duy trì nghề truyền thống của tổ tiên để lại. Ông Nam kể, từ tháng 3 - 4 âm lịch, ông và vợ phải chuẩn bị đất làm tượng. Đất dùng để nặn tượng phải là đất sét vàng của làng Địa Linh. Đất sét vàng đào xong, đem về dự trữ đến tháng 6 mới đưa ra phơi nắng. Đến tháng 11 âm lịch, nghề làm tượng Táo quân mới chính thức vào vụ.

Tô màu cho tượng Táo quân

Nói “nặn đất bán lấy tiền” thoạt nghe thì dễ, nhưng theo được nghề truyền thống này phải trải qua biết bao nỗi cực nhọc và kỳ công. Để làm ra một bức tượng Táo quân nho nhỏ, có rất nhiều công đoạn công phu và tỉ mỉ. Đất sét vàng được hòa với nước và nhào mịn cho thật nhuyễn dẻo như nhồi bột làm bánh. Tiếp đến, những người có sức khỏe mới đưa đất vào khuôn và nện chặt. Khuôn đúc tượng phải làm từ gỗ lim, được đục chạm hình tượng 2 ông 1 bà Táo đứng cạnh nhau. Tượng sau khi lấy ra khỏi khuôn sẽ mang đi phơi khô rồi mới cho vào lò nung...

“Để tượng không bị nứt nẻ, thay vì dùng củi, người làng Địa Linh phải dùng vỏ trấu để nung. Tro của lò nung sẽ được cất giữ để phục vụ việc đúc tượng. Vào mùa đúc tượng, chúng tôi phải dậy từ 3 giờ sáng để canh lò. Lửa nung phải cháy đều, không quá to cũng không được nhỏ thì tượng mới không cong vênh, cháy sém”, ông Nam chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Võ Văn Nam khai thác loại đất sét vàng được chọn từ tháng 3 để làm tượng

Lê Hoài Nhân

Tượng ông Táo sau khi rời khỏi lò nung sẽ được vệ sinh lớp tro bám bên ngoài rồi đưa đi nhúng màu. Mỗi gia đình sẽ nhúng mỗi màu khác nhau: đỏ, cam hay vàng tùy thuộc vào yêu cầu của người mua. Cuối cùng là khâu sơn màu, trang trí tượng. Đây cũng là khâu quan trọng nhất bởi đòi hỏi sự tỉ mỉ, thường được những người phụ nữ khéo tay đảm nhiệm.

Kỳ công là vậy, nhưng mỗi bức tượng làm xong được bán ra thị trường với giá chỉ 1.500 đồng. Với giá thành ấy, bình quân mỗi ngày, một người làm tượng cật lực cũng chỉ kiếm được 150.000 - 200.000 đồng. Do mức thu nhập ít ỏi nên nghề nặn tượng Táo quân của làng Địa Linh cũng dần mai một. Số hộ gia đình còn giữ nghề truyền thống mà tổ tiên để lại còn không nhiều.

Phụ nữ ở làng Địa Linh thường đảm nhận phần việc tô màu tượng

Đất nặn quý như tên làng

Theo khảo cứu của tác giả Nguyễn Quang Trung Tiến (Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế), danh từ “Địa Linh” được dùng để đặt tên làng hàm ý gợi lên cho người dân ở đây cái nhìn sâu xa về ý nghĩa của mảnh đất mà họ đang sống. “Địa” là đất, “linh” là linh thiêng, tức mảnh đất thiêng mà trời đã tạo ra cho họ. Làng Địa Linh còn có tên gọi khác là Trạc Linh.

Sách Ô Châu cận lục của tiến sĩ Dương Văn An biên soạn năm 1553 - 1555 chép Địa Linh có tên trong 69 làng thuộc huyện Tư Vinh. Người khai canh của làng là ngài thủy tổ họ Nguyễn, tên Nguyễn Văn Trà (quê quán Thanh Hóa) vào Quảng Trị sinh sống trước, rồi mới vào Địa Linh, đã trải qua được 10 đời. Địa Linh hiện có các họ cư trú gồm Lê, Trương Văn, Nguyễn Văn, Hoàng Ngọc, Trần Văn, Lý… Thời bấy giờ, Địa Linh là một trong những trạm truyền đệ công văn quan trọng (gọi là Trạm phố chính).

Công đoạn nung tượng ở một lò có tuổi đời hơn 100 năm

Khảo cứu của tác giả Nguyễn Quang Trung Tiến cũng cho biết, người dân Địa Linh dù ở nông thôn nhưng không sinh sống bằng nghề nông. Khoảng 50% dân sống chủ yếu bằng nghề buôn bán nhỏ, chừng 50% còn lại làm các ngành nghề mộc mỹ nghệ, thợ nề (thợ xây dựng)..., trong đó có nghề truyền thống nặn tượng Táo quân.

Tượng Táo quân được làm bằng đất sét vàng của làng là vật thờ tự được dùng trong lễ cúng đưa ông Táo về trời của các gia đình người Việt vào khuya 23 tháng chạp. Gia chủ đặt tượng mới lên bàn thờ trên bếp, thay cho tượng Táo quân năm cũ.

Loại đất sét được nhào nặn để trở thành tượng Táo quân quả thật là loại đất thiêng như tên gọi Địa Linh của làng. Sự trùng hợp thú vị này cũng là nét độc đáo kỳ lạ nhất tại Thừa Thiên-Huế, vì nghề nặn tượng đất đem bán lấy tiền có một không hai đến nay còn lưu giữ.

Theo truyền thuyết, Táo quân là 3 vị thần gồm 1 bà 2 ông, có trách nhiệm trông coi bếp núc của mọi gia đình. Do cận kề với nồi cơm nên Táo quân là vị thần nắm rõ mọi tâm tư đời sống cũng như mong ước của cuộc sống nhân gian. Mỗi năm vào ngày 23 tháng chạp là thời điểm “kết thúc nhiệm kỳ”, 3 vị Táo quân phải cưỡi lên cá chép hóa rồng để bay về thiên đình báo cáo cho Ngọc Hoàng Thượng đế về cuộc sống ở nhân gian. Tục thờ cúng Táo quân là lễ cúng đưa ông Táo về trời vì thế trở thành nét văn hóa ngày tết của người Việt, với mong muốn được chuyển tải nguyện cầu ấm no, hạnh phúc lên thiên đình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.