Nghề truyền thống ngày càng phát triển đã khiến hàng trăm hộ dân tại một làng nghề ở Hà Nội bỏ ruộng.
Khoảng năm 1990, nghề tiện gỗ có lịch sử gần 600 năm của thôn Nhị Khê (tên nôm là Dũi Tiện, nay thuộc xã Nhị Khê, H.Thường Tín, Hà Nội) phát triển mạnh trở lại với các đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, trang sức bằng gỗ... đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn trong và ngoài nước.
Năm 2002, địa phương này được công nhận là làng nghề truyền thống, nghề tiện gỗ trở thành nghề chính, chiếm 80% thu nhập, người lao động có thể nhận được 50.000 - 150.000 đồng cho mỗi ngày công.
Giờ đây, đến Nhị Khê chúng ta dễ bắt gặp nhiều ngôi nhà 3 - 4 tầng, tiếng máy cưa, dập hạt, tiện gỗ… ồn ào đầu thôn cuối ngõ. Trong khi đó, cánh đồng của thôn chỉ lác đác người.
Tại cánh đồng Sếu, bà Nguyễn Thị Oanh (xóm Đồng, thôn Nhị Khê) chỉ bãi cỏ xanh um, cho biết: “Ngày trước là ruộng cấy nhưng bây giờ bỏ không cấy thì ra thế. Cả khu này của Nhị Khê nhưng chỉ cấy ruộng gần bờ, tiện việc mang vác. Còn lại thì dân làng Văn Xá, Trung Thôn đến cấy. Nhà tôi có ba sào ruộng nhưng cũng bỏ hết”.
|
Đến khu Trường Đấu, vốn là “vựa thóc” của thôn nhưng nay 2,5 ha đất bị bỏ hoang gần như toàn bộ. Khu bãi Tư, rộng 8 mẫu Bắc bộ (tương đương 2,88 ha) gần đấy cũng bị bỏ một nửa, chỉ canh tác phần giáp đường liên xã.
Tiếp xúc với chúng tôi, bà Trần Thị Bích (xóm Thượng) có hơn 3 sào ruộng nhưng không cấy từ năm 1983 mà cho người khác cấy và hàng năm vẫn đóng phí cho hợp tác xã. “Cả xóm này cũng bỏ ruộng hết, toàn đi đong gạo ăn chứ làm gì có hạt thóc nào”, bà Bích cho biết.
Nhà bà Nguyệt cùng xóm nay vẫn cấy 6 sào ruộng nhưng thuê công cấy hết 1,2 triệu đồng, làm cỏ 700.000 đồng, mua phân bón hơn 1 triệu đồng, chưa kể tiền cày, gặt… nhưng mỗi sào chưa thu nổi 2 tạ thóc, giá thóc cũng chỉ từ 650.000 - 700.000 đồng/tạ. “Phải cấy vì mẹ chồng tôi tiếc ruộng chứ thực ra là lỗ”, bà Nguyệt than thở.
Theo thống kê của hợp tác xã Nhị Khê, toàn xã có khoảng 15,48 ha ruộng bỏ hoang. Trong đó, thôn Nhị Khê đã bỏ gần 6 ha diện tích, chiếm 37% số ruộng bỏ hoang của xã. Từ năm 2006 - 2009, diện tích ruộng hoang đã thêm khoảng 4 ha, tăng gần 2 lần những năm trước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Vũ Hiệp - Chủ nhiệm hợp tác xã Nhị Khê, tiết lộ: “Đấy mới là số liệu tổng hợp, riêng Nhị Khê đã bỏ ruộng đến 90% trong 54 ha đất nông nghiệp của thôn”, có nghĩa nhiều gấp 8 lần so với số liệu ở trên.
Ông Hiệp cho biết thêm, người dân trong thôn bỏ ruộng từ năm 2003, chỉ còn canh tác trên 10% diện tích đất được giao, còn phần lớn là nhân dân ở các thôn khác đến xin cấy. “Thu nhập từ làng nghề cao hơn, nên họ không còn thiết tha với đồng ruộng”, ông Hiệp nhận định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Bình - Phó chủ tịch UBND xã Nhị Khê cho biết, xã đang có ý định quy hoạch vào một khu để chuyển đổi mục đích sử dụng như trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản, nhưng hiện tại “hợp tác xã chỉ còn biết vận động bà con cấy chứ biết làm thế nào”.
Hương Huyền
>> Giữ hồn dân tộc: Sắc màu cao nguyên đá
>> Nghề rèn có nơi hành hương về đất tổ
>> Bốn tàu du lịch cập cảng Nha Trang
>> Thoát nghèo tại quê hương
>> Không có nghề cao, nghề thấp
Bình luận (0)