Lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng ý kiến của người lao động

Thu Hằng
Thu Hằng
13/06/2022 07:58 GMT+7

Nhiều vấn đề “nóng” như: nợ bảo hiểm xã hội, tín dụng đen, sức khỏe , nhà ở... đã được công nhân gửi đến Thủ tướng Chính phủ trong buổi đối thoại diễn ra tại Bắc Giang ngày 12.6.

Chương trình đối thoại với chủ đề “Công nhân (CN) VN với khát vọng phát triển đất nước”, có sự tham gia của 4.500 CN và được nối trực tuyến đến 63 điểm cầu trên toàn quốc. Cùng tham dự buổi đối thoại với Thủ tướng Phạm Minh Chính có Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN Nguyễn Đình Khang; Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân VN Lương Quốc Đoàn và đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành và lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, hiệp hội ngành nghề...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi đối thoại với công nhân

HẢI NGUYỄN

Ngăn chặn tín dụng đen bủa vây khu công nghiệp

Chia sẻ với Thủ tướng một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay tại các khu công nghiệp (KCN), đó là nạn tín dụng đen đang bủa vây CN, chị Trần Thị Toan, cán bộ Công đoàn cơ sở Công ty TNHH New Apparel Far Eastern VN (Bình Phước), bày tỏ: “Đề nghị Chính phủ có chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng cho CN lao động để CN không phải đi vay nặng lãi, hoặc hỗ trợ vốn đáp ứng nhu cầu vay của CN”.

Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết trong 3 năm vừa qua, Bộ Công an đã đấu tranh phát hiện, xử lý 2.740 vụ việc, gần 5.000 đối tượng, đã khởi tố gần 2.000 vụ, với gần 4.000 bị can liên quan đến tín dụng đen. Trong đó có hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi có người bị hại là CN, lãi suất 90 - 100%/tháng, thậm chí có vụ lên tới 700 - 1.000%/tháng.

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cách tiếp cận vốn ngân hàng đúng đối tượng, quy mô phù hợp, hiệu quả, góp phần phòng chống tiêu cực trong tín dụng đen. Bộ Công an phải nắm chắc, xử lý nhanh đối tượng vi phạm, ngăn chặn hậu quả xấu tác động đến nền kinh tế và người lao động (NLĐ).

Thừa nhận có những câu chuyện đau lòng từ tín dụng đen, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nói có phần trách nhiệm khi người dân tiếp cận tín dụng đen mà không tiếp cận được nguồn vốn chính thức. “Tuy nhiên, cần sự phối hợp của Tổng LĐLĐ VN để cho vay đúng đối tượng, quản lý được khoản tiền vay, cho vay đúng mục đích với mức lãi suất bằng 50% lãi suất hiện nay”, ông Tú đề nghị.

Thủ tướng thăm xóm trọ công nhân tại Bắc Giang

Thiếu cơ sở khám chữa bệnh cho công nhân

Phản ánh những bất cập từ thực tế đời sống tại các KCN, chị Vũ Thị Kim Anh, CN Công ty TNHH cơ khí chính xác Việt Nam I (Vĩnh Phúc), cho biết CN thường xuyên phải tăng ca ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng rất khó khăn trong việc khám chữa bệnh do bệnh viện ở xa nơi làm việc.

Ghi nhận ý kiến của CN phản ánh rất chân thực và thực tiễn, Thủ tướng Phạm Minh cho biết đại dịch Covid-19 vừa qua cũng đã bộc lộ cả điểm mạnh và điểm yếu trong hệ thống y tế. “Chính phủ cũng đang rà soát lại hệ thống quy định pháp luật có liên quan để tăng cường hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng. Các KCN là nơi tập trung đông CN, làm sao để người bệnh tiếp xúc nhanh nhất, sớm nhất với dịch vụ y tế ngay tại cơ sở”, Thủ tướng nói.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Nguyễn Đình Khang cho rằng việc khám chữa bệnh cho CN lao động có hai cái vướng. Thứ nhất, cơ sở khám chữa bệnh tại các KCN hiện nay chưa được quy định trong mạng lưới y tế. Thứ hai, khám chữa bệnh ngoài giờ cho CN trong các KCN thì bảo hiểm thanh toán hay không? Và tiền lương ngoài giờ cho cán bộ y tế khám chữa bệnh ngoài giờ cũng là vấn đề cần làm rõ. “Tổng LĐLĐ VN sẽ tổng hợp những vướng mắc trên và có báo cáo, kiến nghị lên Thủ tướng”, ông Khang nói.

Xử lý dứt điểm nợ BHXH

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay, hệ thống pháp luật để bảo vệ NLĐ đã cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại như: tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm; chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm. Thậm chí kể cả những doanh nghiệp (DN) nước ngoài và DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng rơi vào tình trạng này. “Khi chúng tôi kiểm tra, thanh tra thì DN nói chỉ chậm đóng chứ không trốn, Bộ LĐ-TB-XH đã phối hợp với Hội đồng thẩm phán ra Nghị quyết số 5, tới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết vấn đề này. Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp thu và sẽ làm tốt nhất công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm”, ông Dung nói.

Tăng lương tối thiểu 6% từ 1.7

Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo Chính phủ đã quyết định tăng lương tối thiểu (LTT) cho NLĐ thêm 6% từ 1.7. Cụ thể, mức LTT tháng được điều chỉnh tương ứng tăng từ 180.000 - 260.000 đồng, chia theo 4 vùng. Vùng 1 tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng/tháng lên 4,68 triệu đồng/tháng. Vùng 2 tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng/tháng lên 4,16 triệu đồng/tháng. Vùng 3 tăng 210.000 đồng từ 3,43 triệu đồng/tháng lên 3,64 triệu đồng/tháng. Vùng 4 tăng 180.000 đồng từ 3,07 triệu đồng/tháng lên 3,25 triệu đồng/tháng. Mức điều chỉnh LTT nêu trên gồm tăng 5,3% để bảo đảm đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ (tính đến hết năm 2023) và tăng thêm 0,7% để cải thiện thêm tiền lương cho NLĐ. Đối với mức LTT theo giờ, cũng chia tương ứng theo 4 vùng: vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ. Đây là loại hình LTT được quy định mới nhằm triển khai quy định của bộ luật Lao động năm 2019. Sau hơn 2 năm bị tác động lớn từ đại dịch Covid-19, mức điều chỉnh LTT của Chính phủ sẽ đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ, nhất là trong bối cảnh giá cả đang có xu hướng tăng cao và sẽ góp phần tích cực duy trì sự ổn định quan hệ lao động trong các DN.

Đánh giá đây là vấn đề đang nổi cộm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tôi đã giao cho Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đánh giá lại tình hình chung trên phạm vi cả nước mức độ đến đâu, nguyên nhân ở đâu, trên cơ sở đó rà soát lại các quy định của pháp luật, rà soát lại khâu tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành; phân tích rõ nguyên nhân để đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm vấn đề này càng sớm càng tốt để bảo đảm lợi ích của NLĐ”. Thủ tướng lưu ý, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, BHXH cùng các cơ quan liên quan tổ chức thực thi pháp luật thật nghiêm, ai chưa chấp hành phải xử lý để bảo vệ lợi ích chung, sai đến đâu xử lý đến đó, với tinh thần là giữ kỷ cương, kỷ luật, động viên người làm tốt; phải giải quyết được lợi ích chính đáng và hợp pháp của NLĐ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.