Lãng phí ngay từ cách làm

25/12/2019 00:00 GMT+7

Những rắc rối xung quanh sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1 chưa phê duyệt cho thấy cách làm của Bộ GD-ĐT hiện nay là có vấn đề.

Đặc biệt, với bộ môn tiếng Anh, khi nhà nước đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng với mong muốn nâng cao việc dạy và học ngoại ngữ.
Để có bộ sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh có lẽ không gì đơn giản và thích hợp cho bằng mua bản quyền SGK của nước ngoài, có thể điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa của chúng ta rồi đưa vào sử dụng. Điều này các nước đã làm và trên thực tế VN cũng đang làm. Điển hình là hiện nay ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác học sinh đang học nhiều bộ SGK tiếng Anh do nước ngoài biên soạn, có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế của VN…
Dư luận lại càng bức xúc hơn trước sự mập mờ của Bộ GD-ĐT về SGK duy nhất trong 6 bản mẫu SGK tiếng Anh lớp 1 có chủ biên là người VN được Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá đạt trong đợt thẩm định đầu tiên. Mập mờ là vì hiện nay Bộ chưa công bố nó thuộc SGK của Bộ hay không dù cách thức vận hành và thậm chí chủ biên của SGK này còn khẳng định rằng đây là SGK duy nhất của Bộ GD-ĐT.
Đây cũng là môn học duy nhất mà kinh phí biên soạn chương trình, tập huấn đội ngũ... không sử dụng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới. Sự không minh bạch ở đây còn là có sự nhập nhằng giữa việc phân định xã hội hóa SGK tiếng Anh lớp 1, 2 và SGK từ lớp 3 trở đi do Đề án Dạy và học ngoại ngữ quốc gia thực hiện.
Cùng một nhóm tác giả nhưng lại vừa tham gia biên soạn SGK của đề án từ lớp 3 trở đi (của Bộ) vừa thực hiện SGK lớp 1, 2 được cho là “xã hội hóa”.
Trong khi đó, cần biết rằng Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân ra đời từ năm 2008 và quyết định điều chỉnh bổ sung năm 2018 với mức đầu tư gần 9.400 tỉ đồng, có quy định “sản phẩm dự kiến gồm chương trình, SGK làm quen tiếng Anh lớp 1, 2…”. Đề án ngoại ngữ này cho đến nay được xem là gây nhiều tranh cãi nhất vì dù đã đi gần hết giai đoạn đầu (năm 2020) nhưng hiệu quả đạt được không như mong đợi mà sự lãng phí đã thấy từ lâu. Kết quả kiểm toán nhà nước trước đây đã chỉ ra những vi phạm khi tổ chức biên soạn, in ấn, cấp tài liệu thí điểm lớp 9, lớp 12 trị giá hơn 5 tỉ đồng. Nay với những lùm xùm trong việc biên soạn SGK tiếng Anh lớp 1, dư luận càng có quyền nghi ngờ.
Tương tự như vậy với việc viết SGK các môn khác. Dù là chưa giải ngân nhưng thật khó giải thích trước dư luận khi trong khoảng 77 triệu USD vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, có hơn 16 triệu USD để biên soạn 1 bộ SGK. Tuy nhiên, đến nay Bộ GD-ĐT báo cáo không thực hiện được do không đủ ứng viên để tuyển chọn tác giả!
Rõ ràng sự thiếu minh bạch trong cách làm, những giải thích vòng vo này càng khiến người dân mất niềm tin vào những đổi mới trong giáo dục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.