Làng rèn Trung Lương trăm năm vẫn đỏ lửa

Phạm Đức
Phạm Đức
15/04/2019 11:16 GMT+7

Mặc dù có phần hụt hơi khi cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, nhưng làng nghề rèn truyền thống hàng trăm năm năm tuổi Trung Lương ở Hà Tĩnh vẫn chưa bao giờ tắt lửa.

Theo các cụ cao niên ở làng nghề rèn Trung Lương (phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), không ai nắm rõ nghề rèn ở đây có từ khi nào, chỉ biết rằng nghề này tồn tại hàng trăm năm trước, được con cháu kế nghiệp cho đến tận bây giờ.
Đền thờ Đức thánh tổ thợ rèn nằm ngay giữa làng nghề Trung Lương Ảnh Phạm Đức
Người dân trong làng từ trước đến nay vẫn kháo nhau câu chuyện tổ sư nghề rèn của làng là ông Đùng (thế kỷ 13). Ông ở trên núi Hồng Lĩnh, thấy dân không có dụng cụ sản xuất, bèn bới đất lấy sắt, nhổ cây rừng đốt thành than rèn các dụng cụ lao động phát cho mọi nhà và truyền nghề cho dân làng.
Về sau, dân làng nhớ công đức của ông đã đúc tượng lập đền thờ tại Rú Tiên, nằm ngay giữa làng. Hàng năm, vào ngày 7.1 âm lịch, làng tổ chức lễ tế Đức thánh tổ thợ rèn tại đây.
Gia đình ông Bùi Văn Lâm là hộ giữ lửa lâu đời nhất ở làng nghề Trung Lương Ảnh Phạm Đức
Gia đình ông Bùi Văn Lâm (55 tuổi) là một trong những hộ giữ lửa lâu đời nhất ở làng rèn Trung Lương. Ông Lâm là đời thứ 4 kế nghiệp nghề truyền thống cha ông để lại suốt hơn 30 năm qua. Ông bắt đầu nghiệp tay búa từ năm 20 tuổi.
Sau khi lấy vợ và sinh con, vợ chồng ông lấy nghiệp cầm búa chuyên sản xuất các loại dao mỏng để mưu sinh.
Ông Lâm đang thực hiện công đoạn cắt sắt tạo dáng làm dao Ảnh Phạm Đức
Mỗi ngày, vợ chồng ông Lâm bắt đầu công việc từ lúc 4 giờ sáng. Các công đoạn để làm ra 1 con dao gồm: cắt sắt, nung bếp lò, the mỏng, làm nguội, rẻo dáng, tôi, mài. Trung bình mỗi ngày, vợ chồng ông làm được khoảng 20 con dao, bán ra khoảng 30.000 đồng/con dao, thu được 20.000 đồng.
Vợ ông Lâm đang gò khung sắt giữ cán dao Ảnh Phạm Đức
Theo ông Lâm, nghề rèn đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe dẻo dai và chịu được cái nóng của lửa, bụi bặm. Đặc biệt, khói của than đá rất độc nên người thợ thường hay mắc các chứng bệnh về hô hấp. Dù vậy, nhờ gắn bó với nghề mà người dân đủ ăn, đủ mặc và có tiền nuôi con cái ăn học.
Ông Lê Đức Cẩn cũng có trên 30 năm làm nghề rèn dao Ảnh Phạm Đức
Hàng xóm của ông Lâm là ông Lê Đức Cẩn (53 tuổi) cũng có tuổi nghề hơn 30 năm. Ông Cẩn nói rằng làng rèn mấy trăm năm nay đều theo cha truyền con nối, cứ nhà này làm dao thì nhà kia làm liềm, làm cuốc. Vì thế mà mỗi hộ gia đình đều có bí quyết riêng.
Giống gia đình người hàng xóm, vợ chồng ông cũng chuyên sản xuất các loại dao mỏng. Sản phẩm do dân làng làm ra được bán chủ yếu ở các chợ trong tỉnh và tỉnh bạn Nghệ An cạnh bên.
Người thợ rèn luôn phải đối mặt với cái nóng của lửa và bụi Ảnh Phạm Đức
Còn ông Phan Văn Toàn (50 tuổi, chuyên sản xuất liềm trong làng) nói rằng, trước đây làng nghề có trên 300 hộ nhưng hiện chỉ còn hơn 100 hộ vẫn đang bám nghiệp mưu sinh.
Gia đình ông Phan Văn Toàn chuyên làm liềm Ảnh Phạm Đức
Ông Toàn cho hay, nguyên nhân là các sản phẩm được làm bằng thủ công của làng không cạnh tranh được với sản phẩm công nghiệp hiện nay với nhiều mẫu mã và giá thành lại rẻ hơn. Thu nhập từ nghề rèn chẳng đáng là bao, lại phải ngồi lâu trong thời gian dài, nên thế hệ trẻ trong làng không mấy ai mặn mà.
Vợ ông Toàn mài liềm bằng máy trước khi tạo chấu Ảnh Phạm Đức
Ông Nguyễn Duy Đăng, Chủ tịch UBND phường Trung Lương, cho hay cách đây khoảng 20 năm, trong làng có trên 300 hộ làm nghề chuyên sản xuất dụng cụ nông nghiệp như cày, cuốc, dao, xẻng... thì đến nay chỉ còn lại 110 hộ nhưng chỉ còn làm ra 2 loại sản phẩm là dao và liềm.
Trong số này, chỉ có khoảng 30 - 50 hộ làm thường xuyên, còn lại làm theo thời vụ.
Làng nghề rèn Trung Lương đang đứng trước nguy cơ bị mai một Ảnh Phạm Đức
Làng nghề có nguy cơ bị mai một dần nên địa phương vẫn luôn có những chính sách để động viên người dân cố gắng luôn giữ lửa cho nghề truyền thống của cha ông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.