Ngày 1.10, TAND tỉnh Bình Phước cho biết vừa tuyên phạt bị cáo Trần Văn Sương (51 tuổi) 12 năm tù và Lê Trường Hải (40 tuổi, cùng ngụ TP.HCM) 7 năm tù, cùng về tội buôn lậu hơn 16.000 tấn hạt điều thô.
Trước đó, trong các ngày 21.9, 28.9 và 30.9, TAND tỉnh Bình Phước đã xét xử sơ thẩm vụ án nói trên.
Theo cáo trạng, từ năm 2013 - 2021, Trần Văn Sương đã thành lập Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nhật Linh Sài Gòn, mua lại pháp nhân Công ty TNHH MTV nông sản Thổ Sinh Kim và đổi tên thành Công ty cổ phần Nhật Linh Bến Thành.
Trong thời gian này, Sương cùng Hải đã nhập khẩu số lượng lớn hạt điều thô (hạt điều chưa bóc vỏ) theo hình thức sản xuất - xuất khẩu (E31) nhưng sau đó chỉ sản xuất một phần để xuất khẩu, còn lại mang đi tiêu thụ nội địa.
Theo quy định, khi chuyển tiêu thụ nội địa hạt điều thô, Sương và Hải chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành thủ tục hải quan đối với tờ khai hải quan mới và phải là loại hàng hóa được phép cho tiêu thụ nội địa hay chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, hạt điều thô do Sương và Hải nhập khẩu có nguồn gốc từ các nước Ghana, Madagascar, Nigeria... không thuộc danh mục 46 nước được phép xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam. Thêm vào đó, số hạt điều (nhập khẩu trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020) chưa được kiểm định an toàn thực phẩm, nên không được phép tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Hành vi của các bị cáo đã vi phạm trình tự, thủ tục hải quan, xâm phạm chế độ quản lý xuất, nhập khẩu của nhà nước, gây nguy hại đến an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu hạt điều Việt Nam và phạm vào tội buôn lậu.
Đối với bị cáo Trần Văn Sương, từ năm 2014 - 2019, Sương đã mở 112 tờ khai hải quan để nhập khẩu hơn 18.603 tấn hạt điều thô nguyên liệu, trị giá hơn 551 tỉ đồng theo hình thức E31.
Từ 2018 - 2019, Sương đã bàn bạc, thống nhất với Lê Trường Hải sử dụng pháp nhân Công ty QNM (do Hải làm giám đốc) mở 30 tờ khai hải quan để nhập khẩu hơn 4.374 tấn hạt điều thô, trị giá hơn 157 tỉ đồng theo hình thức E31.
Sương đã cho sản xuất hạt điều nhân và xuất khẩu theo hình thức E62 (xuất sản phẩm xuất khẩu - PV) với số lượng hơn 1.114 tấn (tương đương hơn 6.305 tấn hạt điều thô) theo 98 tờ khai theo hình thức E62. Còn lại số lượng hạt điều thô nguyên liệu hơn 16.483 tấn, trị giá hơn 486 tỉ đồng, Sương đã tự ý chuyển tiêu thụ nội địa.
Đối với Lê Trường Hải, đã ký hồ sơ mở 30 tờ khai hải quan, giúp Sương nhập khẩu hơn 4.374 tấn hạt điều thô, trị giá hơn 157 tỉ đồng theo hình thức E31.
Sau đó, Sương chỉ cho sản xuất hạt điều nhân và xuất khẩu theo hình thức E62 hơn 144 tấn (tương đương hơn 731 tấn hạt điều thô), còn lại hơn 3.643 tấn, trị giá hơn 127 tỉ đồng, Hải để cho Sương tự ý chuyển tiêu thụ nội địa.
HĐXX xác định, tổng số lượng hạt điều buôn lậu tính thành tiền trị giá hơn 486 tỉ đồng. Đây là tài sản phạm pháp nên phải tịch thu, nộp vào ngân sách nhà nước.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Chi cục Hải quan Chơn Thành (Bình Phước) đã cung cấp bảng tổng hợp thu nộp thuế, trong đó xác định các bị cáo đã nộp tiền thuế hơn 5,3 tỉ đồng.
Sau khi xem xét các tình tiết tại phiên tòa, HĐXX TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên phạt Trần Văn Sương 12 năm tù; Lê Trường Hải 7 năm tù cùng về tội buôn lậu. Ngoài ra, Trần Văn Sương buộc phải nộp lại tài sản do buôn lậu mà có với số tiền hơn 481 tỉ đồng (sau khi khấu trừ 5,3 tỉ đồng).
Xem nhanh 20h: Tin tức thời sự toàn cảnh
Bình luận (0)