Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nêu lý do người tiêm 2 mũi vắc xin vẫn tử vong

12/11/2021 20:52 GMT+7

“Cũng có trường hợp người lớn tuổi đã được tiêm vắc xin nhưng có thể do cơ địa đáp ứng vắc xin thấp dẫn đến tử vong", Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết.

Lúc 20 giờ ngày 12.11, Sở TT-TT TP.HCM tổ chức chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” với chủ đề phòng, chống dịch Covid-19 khi tình hình có dấu hiệu phức tạp trở lại.

Hai khách mời giải đáp những câu hỏi của người dân là TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM và TS. BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 6.

Vì sao nhiều người đã tiêm 2 mũi vắc xin vẫn tử vong vì Covid-19?

Những ngày gần đây, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm gia tăng. Từ ngày 7.11 đến nay, số ca mắc mỗi ngày đều trên 1.000 ca, trong đó cao nhất là ngày 10.11 ghi nhận 1.414 ca nhiễm.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM

sỹ đông

Trả lời câu hỏi của người dân về số ca nhiễm mới tập trung ở khu vực nào, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết ca nhiễm tăng toàn thành phố chứ không tập trung nơi nào, nhưng có 5 địa phương đứng đầu gồm: Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Tân, Thủ Đức và Q.12.

Sống chung với vi rút chứ không sống chung với dịch

“Đây là kết quả tất yếu khi thành phố mở cửa, bỏ giãn cách xã hội”, ông Châu nhìn nhận.

Phó giám đốc Sở Y tế cho biết thời điểm tháng 5, tháng 6.2021, khi số ca tăng lên thì bắt buộc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và cả Chỉ thị 16 “cộng” để ngăn chặn lây lan.

Nhớ lại thời điểm tháng 6, tháng 7, số ca F0 tăng dữ dội. Thành phố liên tục mở bệnh viện dã chiến, từ số 1 đến số 16 để tiếp nhận, thu dung F0 cấp độ nhẹ, còn ca nặng thì đưa về trung tâm hồi sức.

Ở thời điểm hiện nay, ông Châu cho biết vắc xin mũi 1 đã bao phủ gần như toàn bộ người trên 18 tuổi ở thành phố, ngành y tế đang tập trung tiêm vét mũi 2. Từ đầu tháng 10.2021, thành phố bắt đầu mở cửa. Quan điểm của ngành y tế là thích ứng linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.

“Chúng ta sẽ sống chung với virus SARS-CoV-2. Sống chung với vi rút chứ không sống chung với dịch. Nếu chúng ta để dịch quay trở lại, bệnh nặng và chết người thì không được”, ông Châu nói, đồng thời bày tỏ hy vọng với hệ thống điều trị đầy đủ cùng với độ phủ vắc xin thì có thể sống chung.

Covid-19 sáng 13.11: 1.009.879 ca nhiễm, 856.211 ca khỏi | Dịch bệnh tại TP.HCM vẫn đang rất nóng

Số ca tử vong tăng những ngày gần đây

Lãnh đạo Sở Y tế nhấn mạnh khi sống chung với vi rút SARS-CoV-2 thì chấp nhận có F0 xuất hiện nhưng không quá nhiều. Khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 nhưng vẫn có tỷ lệ bị nhiễm, khi nhiễm thì ca bệnh có triệu chứng ít, biến chứng nặng và tử vong cũng ít hơn đáng kể so với chưa tiêm vắc xin. Số liệu này được chứng minh ở mọi nơi trên thế giới và ở Việt Nam.

Dù vậy, ông Châu cũng chỉ ra “mặt trái của vấn đề”, đó là không phải cứ tiêm đủ vắc xin là miễn nhiễm hoàn toàn, không nhiễm nặng và không tử vong vì “vẫn còn tỷ lệ nhỏ diễn tiến nặng và tử vong, đặc biệt là người cơ địa yếu, mắc bệnh mãn tính”.

Phân tích số liệu tử vong những ngày gần đây, Sở Y tế ghi nhận những số ca tử vong tăng so với trước, đa số là người lớn tuổi (trên 65 tuổi), có bệnh nền. Trong đó, khoảng 50% chưa được tiêm vắc xin vì đây là những người có bệnh nền, thậm chí bị tai biến mạch máu não, nằm 1 chỗ trong thời gian dài.

“Cũng có trường hợp người lớn tuổi đã được tiêm vắc xin nhưng có thể do cơ địa đáp ứng vắc xin thấp dẫn đến tử vong. Như vậy, nếu cứ để F0 tăng lên thì số ca nặng cũng tăng lên tương ứng dù thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Đây là điều rất đáng lo”, ông Châu đánh giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.