Chậm nhất trong vòng 2 giờ, 147 hộ dân ở địa bàn miền núi phía tây thành phố sẽ di tản khi có lệnh.
Các tổ tiền phương cũng không cần phải “chờ xin ý kiến”...
Một thông điệp dứt khoát, có thể lánh nạn trong tầm tay. Tiếc rằng chưa thấy nhiều thông điệp tương tự, dù địa phương nào cũng “rà soát và cảnh báo” hằng năm, dù bản tin cảnh báo phòng chống thiên tai vẫn được cập nhật liên tục mỗi ngày. Càng đáng tiếc hơn khi vùng đồi núi miền Trung vừa liên tiếp hứng chịu thảm nạn...
Thiên tai ngày càng dị thường. Số liệu từ Hệ thống đo mưa Vrain tại địa bàn Trà Leng (H.Nam Trà My) được chính quyền tỉnh Quảng Nam công bố hôm qua như để minh họa cho sự khác lạ ở nơi vừa xảy ra thảm nạn: 31 ngày trong tháng 10 có đến 27 ngày mưa. Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận sự cố xảy ra cả những vùng được cho là an toàn.
Thực ra, kinh nghiệm và cảm nhận của người dân địa phương cũng có giá trị nhất định. Hàng trăm học sinh vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) buộc phải rời khỏi khu nội trú về trung tâm huyện cách đó vài chục cây số vì sợ rủi ro trước bão số 9. Ban Giám hiệu Trường THPT Nam Trà My cũng đã cương quyết từ chối khi nhiều học sinh xin về nhà trước khi tai họa ập xuống thôn 1 xã Trà Leng. Sẽ không ai rõ bằng chính quyền cấp cơ sở, của các thầy cô về các địa bàn nguy cơ... Vẫn thấy tấm biển cảnh báo cắm dọc các tuyến đường lên vùng cao thời điểm mưa lớn và cảnh báo lũ quét. Trên đỉnh núi Tà Bang (Quảng Trị), khi vết nứt chỉ có vài chục centimet, người dân đã phát hiện ngay và báo cho chính quyền xã, để rồi hàng chục hộ kịp rời đi...
Nhưng chỉ cảm nhận và lại tháo chạy mỗi khi có nguy cơ, là chưa đủ.
Báo Thanh Niên từng dẫn lời các chuyên gia than phiền về độ “mờ” của tấm bản đồ phân vùng cảnh báo sạt lở đất. Khởi động đề án từ năm 2012, đến nay 22 tỉnh miền núi đã lập bản đồ hiện trạng sạt lở, 15 tỉnh lập bản đồ phân vùng cảnh báo sạt lở, tỷ lệ 1/50.000. Riêng 200 xã trọng điểm có nguy cơ sạt lở cao được ưu tiên hơn, bản đồ “zoom” sát hơn chút ít (tỷ lệ 1/10.000), song cũng mới thực hiện được 1/4 khối lượng. Với tỷ lệ đó, địa bàn một xã chỉ là... dấu chấm nhỏ trên bản đồ. “Vấn đề là làm sao phải đưa bản đồ về tỷ lệ 1/500”, một lãnh đạo Bộ Xây dựng nêu ý kiến tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10.
Trong khi chờ câu trả lời, các địa phương nằm trong vùng nguy cơ cần xác lập tâm thế lánh nạn chủ động. Tức là có kế hoạch sơ tán thật cụ thể, có điểm danh sẵn những hộ phải “xách ba lô lên và đi” mỗi khi được báo động kiểu như Đà Nẵng vừa làm. Và tất nhiên, phải dứt khoát, quyết liệt trong hành động.
Bình luận (0)