Lao đao với “vàng trắng”

Hữu Trà
Hữu Trà
13/04/2019 00:00 GMT+7

Hàng chục ngàn héc ta cao su ở Quảng Nam đang đối diện nguy cơ bị bỏ rơi, chuyển sang trồng cây khác sau khi giá mủ cao su rớt xuống mức thấp kỷ lục.

Những ngày này, về vùng quê các xã Sông Trà, Phước Trà (H.Hiệp Đức) đi đâu cũng nghe bà con bàn tán về giá mủ cao su rớt thảm, chỉ nằm ở con số 5.000 đồng/kg mủ tươi và tầm 10.000 đồng/kg mủ khô. Giá mủ cao su quá bèo bọt buộc người nông dân phải ngưng khai thác vì không đủ chi phí để thuê nhân công lẫn mua phân bón cho cây.

Tiến thoái lưỡng nan

Quảng Nam tiếp tục rà soát, giảm diện tích trồng cây cao su ở những vùng khó trồng, kém hiệu quả. Dự kiến sẽ chuyển khoảng 12.000 ha trồng cây cao su sang trồng rừng sản xuất, giao toàn bộ diện tích này cho người dân quản lý để đảm bảo sinh kế cho đồng bào miền núi
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Là người đầu tiên tham gia trồng cao su tiểu điền ở H.Hiệp Đức, ông Nguyễn Phương Tân (thôn Trà Sơn, xã Sông Trà, H.Hiệp Đức) cho rằng giai đoạn 2007 - 2008, được UBND huyện và tỉnh Quảng Nam hỗ trợ, nhiều người dân đã tham gia trồng cao su trên đất của mình. Đến bây giờ, gia đình ông đã trồng 4 ha cao su, toàn bộ diện tích đều đã đến kỳ thu hoạch mủ. “Không tính đất đai, công chăm sóc, mỗi héc ta đầu tư hết 300 triệu đồng. Liên tiếp 3 năm qua, giá mủ cao su rớt xuống đến mức thấp kinh hoàng. Có năm lên được 15.000 đồng/kg mủ khô, còn bây giờ là 10.000 đồng/kg mủ khô”, ông Tân than vãn. Theo ông, với mức giá này, gia đình chỉ… đủ để trả công cho lao động, chưa thể hoàn vốn. “Nan giải quá, nhiều lần tôi định phá bỏ để trồng keo, nhưng thấy đồng vốn bỏ ra quá lớn nên cố gắng duy trì giữ lại cây cao su, nhưng cũng lại… thấy nan giải”, ông nói thêm.
Ông Phạm Đình Điện (cùng ở thôn Trà Sơn) cũng trồng 3 ha cao su. “Có năm giá mủ cao su khô lên đến 150.000 đồng/kg, nên nhà nhà đổ vào trồng cao su. Bây giờ, cao su rớt giá, thu vào không đủ mua phân bón và công cạo mủ, chưa thể để dành gì được”, ông Điện kể.
Mủ cao su một thời được người dân ở huyện vùng cao Hiệp Đức xem là “vàng trắng”, nên rất nhiều gia đình phá bỏ các loại cây khác để trồng cao su. UBND H.Hiệp Đức cho biết, riêng diện tích cao su người dân trồng đã lên trên 1.000 ha, chưa kể còn có hơn 3.000 ha cao su của Công ty TNHH MTV cao su Quảng Nam tại địa bàn. Tất cả đang bế tắc lối ra do giá cả xuống thấp.

Sẽ giảm diện tích không hiệu quả

Công ty cao su lỗ nặng

Công ty TNHH MTV cao su Quảng Nam cho biết tính đến cuối năm 2018, tổng diện tích cây cao su do đơn vị này quản lý lên đến 5.890 ha, sản lượng khai thác 1.631 tấn, năng suất bình quân đạt 0,62 tấn/ha, chịu khoản lỗ năm 2018 lên đến trên 40 tỉ đồng. Ông Trương Thu, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Quảng Nam, đã đề nghị Tập đoàn cao su VN cho phép công ty được chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn hoặc cây trồng khác tại một số vị trí thuận lợi.
Từ năm 2011, UBND tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương quy hoạch diện tích trồng cao su khoảng 29.000 ha, sau đó điều chỉnh bổ sung thêm khoảng hơn 1.000 ha. Hầu hết diện tích đất trồng cao su đại điền lúc bấy giờ được giao cho 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV cao su Quảng Nam, Công ty cao su Nam Giang (thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su VN) và Công ty CP đầu tư và sản xuất Việt Hàn (sau này chuyển nhượng lại cho Công ty công nghiệp cao su Quảng Nam). Ngoài ra, còn có hàng ngàn héc ta cao su tiểu điền do người dân tự trồng. Ông Nguyễn Như Công, Chủ tịch UBND H.Hiệp Đức, cho hay địa phương đang tính toán trồng thêm các loại cây dưới tán cao su như nghệ, ba kích để phát huy hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người trồng cao su.
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết từ năm 2017, khi phê duyệt quy hoạch điều chỉnh 3 loại rừng, các huyện tiến hành rà soát lại diện tích trồng cao su. Hiện có khoảng 27.000 ha cây cao su được doanh nghiệp, người dân trồng rải rác tại các khu vực trung du, miền núi. “Quảng Nam tiếp tục rà soát, giảm diện tích trồng cây cao su ở những vùng khó trồng, kém hiệu quả. Dự kiến sẽ chuyển khoảng 12.000 ha trồng cây cao su sang trồng rừng sản xuất, giao toàn bộ diện tích này cho người dân quản lý để đảm bảo sinh kế cho đồng bào miền núi”, ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, khi nhận bàn giao đất chuyển đổi, người dân có thể tổ chức sản xuất cũng như chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, liên kết với các doanh nghiệp để phục vụ công nghiệp chế biến, tạo vùng nguyên liệu ổn định, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.