Và nếu giấy chứng sinh có tên cha đứa trẻ thì người cha có được hưởng chế độ thai sản hay không? Bạn đọc Lê Huỳnh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) gửi thắc mắc tới Thanh Niên.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội trả lời
Theo Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, chế độ thai sản dành cho nam là chế độ mà người chồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ thời gian theo quy định được nghỉ việc và nhận trợ cấp khi vợ sinh con hoặc nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi hoặc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa dân số.
Thứ nhất, với trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con: lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội được nghỉ 5 ngày làm việc khi vợ sinh thường; nghỉ 7 ngày khi vợ sinh phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; nghỉ 10 ngày khi vợ sinh đôi; nghỉ 14 ngày nếu vợ sinh đôi phẫu thuật.
Trường hợp vợ sinh 3 trở lên thì cứ thêm mỗi con, chồng được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Mức hưởng 1 ngày = Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng liền kề trước khi nghỉ/24 ngày x 100% x Số ngày được nghỉ.
Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, lao động nam được nghỉ với thời gian dài hơn, như trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con; trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc theo quy định.
Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh, mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền, thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Mức hưởng trong các trường hợp này = 100% x Mức bình quân tiền tháng đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng liền kề trước khi nghỉ sinh con x Số tháng hưởng. Trường hợp có ngày lẻ thì tính bằng mức bình quân tiền tháng đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng liền kề trước khi nghỉ chia 30 ngày x Số ngày nghỉ.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trong các trường hợp đặc biệt trên sẽ tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Thứ hai, đối với trường hợp nhận nuôi con nuôi, lao động nam phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi, thì được nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định khi con đủ 6 tháng tuổi.
Mức hưởng = Mức lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi nghỉ sinh con x Số tháng hưởng. Trường hợp có ngày lẻ thì tính bằng mức bình quân tiền tháng đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng liền kề trước khi nghỉ chia 30 ngày x Số ngày nghỉ.
Bảo hiểm Xã hội TP.HCM cũng lưu ý, trường hợp lao động nam nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi hoặc lao động nam có vợ sinh con nhưng vợ không tham gia bảo hiểm xã hội, hoặc tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định, thì được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con = 2 tháng lương cơ sở cho mỗi con.
Ngoài ra, lao động nam triệt sản được nghỉ hưởng chế độ theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền với thời gian nghỉ tối đa là 15 ngày. Mức hưởng = Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ/30 ngày x Số ngày nghỉ theo chế độ thai sản.
Bình luận (0)