Khi nhắc đến hội nhập, gia nhập vào một công ty đa quốc gia, nhiều lao động trẻ nghĩ rằng ngôn ngữ hay kỹ năng chuyên môn mới là rào cản khiến họ không thể trụ lại công ty.
tin liên quan
Người trẻ bắc nhịp cầu ngôn ngữTuy nhiên, tại hội thảo mới đây, ông Christian Routin (diễn giả, chuyên gia huấn luyện văn hóa hội nhập, Mỹ) cho rằng: Kỹ năng mềm thì văn hóa mới chính là từ khóa chính. Giải quyết được sự khác biệt về văn hóa, cách suy nghĩ sẽ giúp lao động trẻ có thể làm việc được ở bất kỳ đâu, dù trong nước hay nước ngoài.
Ông Christian Routin chia sẻ: “Không chỉ các bạn người Việt Nam, thậm chí người nước ngoài khi đến Việt Nam làm việc vẫn gặp rào cản về văn hóa. Đơn giản như: cách giao tiếp, làm sao để hiểu nhau khi làm việc… Người phương Tây sẽ thích nói thẳng, đôi khi là tranh cãi nhưng người Việt thì lại ngại ngùng thích nói lòng vòng. Chính tôi, dù có 20 năm làm việc ở các công ty đa quốc gia, khi về Việt Nam, cũng mất nhiều thời gian để hiểu được các bạn đồng nghiệp trong công ty. Người phương Tây sẽ xem trọng hiệu quả, bạn mang lại lợi ích gì; ở Việt Nam thì đầu tiên giữa sếp với nhân viên sẽ xây dựng một tình bạn. Khi trở thành bạn bè rồi, mọi người sẽ nỗ lực hỗ trợ bạn bè để cùng nhau phát triển”.
Cũng theo ông Christian Routin, việc am hiểu văn hóa của đối tác, đồng nghiệp cực kỳ quan trọng, giúp mọi người làm việc hiệu quả nhịp nhàng hơn. Người phương Tây sẵn sàng thể hiện ý kiến cá nhân, còn các đồng nghiệp Việt Nam sẽ cần một chút khuyến khích từ người lãnh đạo. Việc thể hiện chính kiến cũng được đề cao khi làm việc với người nước ngoài.
Những người làm việc lâu trong môi trường có nhiều người đến từ đa quốc gia, dễ dàng nắm bắt được tâm lý, suy nghĩ của đối tác, đồng nghiệp. Tuy nhiên, với nhiều lao động trẻ, để có thể trụ lại được, tránh được “sốc” văn hóa thì cần luyện tập rất nhiều.
Anh Lý Quang Thắng, Trưởng phòng Nhân sự cấp cao của một công ty nước ngoài, chia sẻ: “Hơn 10 năm đi làm, từ công ty nước ngoài đến công ty Việt Nam, mỗi lần chuyển một môi trường mới, tôi lại bắt đầu quan sát và làm quen từ đầu. Ở đâu tôi cũng dựa trên tinh thần mở, mình tôn trọng văn hóa của từng nước, sẵn sàng tìm hiểu sự khác biệt giữa đôi bên để tìm điểm chung và có cách xử lý phù hợp”.
Theo diễn giả Christian Routin: “Để thành công trong môi trường đa văn hóa, cách thức duy nhất là lao động trẻ phải luyện tập. Trong thời đại mới, khả năng phát triển bản thân phù hợp với môi trường là kỹ năng cực kỳ quan trọng. Bất kỳ lĩnh vực nào, tinh thần ham học hỏi, đúng giờ, sẵn sàng chịu trách nhiệm với công việc luôn được đánh giá cao”.
Ông Lưu Minh Phương, Giám đốc phát triển năng lực miền Nam - Ngân hàng Techcombank, nói: “Mỗi người phải tự nâng cao năng lực bản thân, sẵn sàng học hỏi nhiều lĩnh vực để có thể gia tăng lợi thế của bản thân, tăng khả năng thích nghi với nhiều công ty, nhiều môi trường làm việc khác nhau. Với tinh thần này, dù làm việc ở đâu thì lao động trẻ đó vẫn thành công”.
Bình luận (0)