Hai bí quyết vàng cho sinh viên mới ra trường tìm việc làm phù hợp

Kim Lan
Kim Lan
01/07/2019 14:25 GMT+7

Ít nhất có 2 bí quyết vàng để bạn có thể đưa ra những quyết định đúng đắn khi tìm việc làm và môi trường làm việc phù hợp.

Chiếc nón trong lễ tốt nghiệp đại học được hất lên cao cũng là giây phút bạn đối mặt với những quyết định tương lai. Không như phim Harry Potter, cuộc sống hiện thực không tồn tại chiếc nón giúp bạn xác định bạn là ai, phù hợp với ngành nghề gì? Vì thế, bạn cần trang bị một số thông tin, kiến thức để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn khi tìm việc làm và môi trường làm việc phù hợp.

Hiểu rõ bản thân

Bạn Anh Thư, một sinh viên chuyên ngành kinh tế, tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, chọn công việc đầu tiên là B2B Sales (nhân viên bán hàng cho doanh nghiệp) tại một công ty công nghệ lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc “tham trải nghiệm nhiều vị trí” trong khi chưa có kiến thức hay kinh nghiệm đủ vững ở bất kỳ lĩnh vực gì đã khiến Thư không định hướng rõ công việc mình mong muốn. Thư mãi loay hoay khi thấy bản thân yêu thích marketing, muốn được tham gia nhiều chiến dịch lớn, đi làm sales, nhưng lại dự định sẽ đảm nhận vị trí trợ lý giám đốc sau 5 năm nữa.
Đây là một trường hợp không hiếm ở các bạn trẻ khi bước chân ra khỏi giảng đường đại học. Nhiều bạn sinh viên hiện nay vẫn chưa thể xác định được mục tiêu nghề nghiệp và mơ hồ về khả năng của bản thân. Theo báo cáo dựa trên 1.600 câu trả lời từ các ứng viên là sinh viên mới ra trường trong cơ sở dữ liệu của Vietnamwork, hơn 38% ý kiến cho biết họ cảm thấy không có định hướng nghề nghiệp nên cảm thấy khó khăn khi tìm việc làm. Ngoài ra nhiều bạn trẻ cũng gặp rào cản vì chưa thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng do thiếu các kỹ năng cần thiết cho công việc, chiếm hơn 35% ý kiến.
Tại buổi SEO-V Speakers Series 2019, chị Phan Thanh Thảo, Giám đốc Mảng quản lý Mua bán (Merchant Acquisition Manager) của ZaloPay chia sẻ: “Để định hướng nghề nghiệp, việc đầu tiên cần làm là xem lại khả năng bạn đang có và xác định rõ mong muốn của mình. Sau đó, đam mê sẽ là hành trang giúp bạn vượt qua mọi khó khăn và thử thách”.
Chị Thảo cho rằng các bạn trẻ cần nên phân biệt rõ mong muốn và năng lực thực tế của bản thân. Ví dụ, với công việc B2B sales, để biết mình có phù hợp với công việc này hay không, bạn có thể tự “chất vấn” một số câu hỏi. Thứ nhất, bạn có thích việc kinh doanh không? Thứ hai, bạn có ngại tiếp xúc với người khác không? Có yêu thích tìm hiểu cái mới không? Nếu bạn chưa thể xác định và chọn ngành nghề đúng với năng lực của mình, hãy cứ thử các công việc khác nhau. Tuy nhiên rất có thể bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian để có thể đi về đúng với ngành phù hợp với năng lực và khả năng của mình.
Chị Thảo khuyên các bạn trẻ đừng nên bỏ quên đam mê vì nó sẽ là động lực thúc đẩy công việc phát triển và gắn bó dài lâu theo chiều hướng tốt nhất cho bản thân và sự nghiệp. Khi có đam mê, bạn mới không ngừng tìm tòi học hỏi, cập nhật tin tức, xu hướng mới về ngành nghề bạn lựa chọn. Ngoài ra, bạn sẽ vượt lên áp lực của câu chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” trong công cuộc tìm việc làm, tìm sự nghiệp thích hợp.

Lựa chọn công ty

Phúc lợi và danh tiếng thường là những từ khóa đầu tiên các bạn sinh viên ưu tiên lựa chọn khi nộp đơn tìm việc làm, tuy nhiên, một yếu tố ít người để ý đến đó là văn hóa doanh nghiệp.

Anh Lê Xuân Nguyên chia sẻ trong buổi SEO-V Speakers Series 2019

Ảnh: Phạm Huy

Theo khảo sát của Anphabe, trên 75,481 người đi làm cho thấy với những người có xu hướng thích ổn định, chuộng danh tiếng và thực tế thường sẽ thích nghi tốt hơn với các công ty có thương hiệu lớn, thành công, lương thưởng cao.
Trong khi nhóm người đeo đuổi những trải nghiệm thú vị và hướng về kết quả chung thường sẽ phù hợp ở môi trường công ty có văn hóa doanh nghiệp gắn kết, thúc đẩy sáng tạo và năng động.
Vậy nên, sau khi đã tìm hiểu bản thân mình là ai, nếu bạn bỏ qua việc tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp trước khi tìm việc làm và chọn một công ty, có khả năng cao bạn sẽ bị “ngợp” vì khó có thể thích nghi, hoặc đi làm nhưng có cảm giác “mình không thuộc về nơi này”. Theo anh Lê Xuân Nguyên, Giám đốc Sales & Marketing của VINADATA: “Công nghệ có thể bị ăn cắp, người có thể bị lấy đi nhưng văn hóa doanh nghiệp là thứ ko thể bị mất hay sao chép được. Văn hóa doanh nghiệp là gốc rễ của mọi thứ. Khi quyết định chọn một công ty, bạn cần nhìn vào văn hóa công ty đó”.
Câu chuyện xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là tạo dựng “linh hồn” cho nền tảng phát triển chiến lược của công ty. Một công ty có văn hóa phù hợp với bạn sẽ là nơi lý tưởng để truyền cảm hứng làm việc, tạo ra nhiều cảm xúc tích cực. Từ đó, bạn có thể phấn đấu vì mục tiêu chung và chủ động hơn trong công việc để mang đến những điều tốt nhất.
Bí quyết tìm việc làm phù hợp cho bản thân bạn đôi khi chỉ từ những điều đơn giản...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.