Lao động trẻ trình bày file word, excel cũng phải 'cầm tay chỉ việc'

Thu Hằng
Thu Hằng
07/10/2022 06:03 GMT+7

Lao động trẻ Việt Nam quá thiếu các kỹ năng mềm phục vụ công việc trong bối cảnh thế giới ngày càng thay đổi nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động đã phải đào tạo lại trước khi sử dụng.

Thiếu nhiều kỹ năng

Theo bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là "cú sốc kép" đối với thị trường lao động toàn cầu nói chung và thị trường lao động VN nói riêng, gây đứt gãy thị trường lao động, gia tăng thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội, nhất là đối với lực lượng lao động trẻ.

Đến quý 4/2021, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 - 24 tuổi là 8,48%, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 11,91%. So với trước dịch Covid-19 tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi thanh niên và thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị đều tăng. Thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt lao động trẻ cần được đào tạo và phát triển kỹ năng. Bà Lan Anh chia sẻ: “Thế giới ngày càng thay đổi nhanh chóng, nhất là về công nghệ. Do đó, lực lượng lao động trẻ cũng cần phải được nhanh chóng trang bị các kỹ năng mềm, kỹ năng chuyển đổi, kỹ năng số để có thể thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0”.

Theo ông Lê Đình Hiếu, chuyên gia về phát triển kỹ năng cho người trẻ, nếu như cách đây hơn 10 năm, nhiều bạn trẻ thích lựa chọn ngành ngôn ngữ, ngoại ngữ, ngoại giao... nhưng đến thời điểm hiện tại, với sự hỗ trợ của công nghệ, robot, trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ dịch thuật. Khoa học công nghệ phát triển quá nhanh, máy móc, công nghệ đã thay thế người trẻ trong nhiều công việc. Nhiều kỹ năng trước đây là cần thiết, nhưng bây giờ đã trở nên lạc hậu, lỗi thời.

Lao động trẻ thiếu các kỹ năng sẽ gặp khó khăn khi tìm việc làm

T.Hằng

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Vũ Thị Quyên, sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc Công ty We Edit, chia sẻ: “Các bạn trẻ quá thiếu kỹ năng mềm để đồng hành cùng doanh nghiệp. Chúng tôi thực sự gặp rất nhiều khó khăn trong việc hướng dẫn lao động trẻ làm việc, giao tiếp. Những việc đơn giản như trình bày file word hay excel, chúng tôi cũng phải "cầm tay chỉ việc" cho các bạn trẻ mới đem lại kết quả".

Bà Lesley Miller, Phó đại diện Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại VN, cho hay nghiên cứu tại VN cho thấy nhiều thanh niên thiếu các kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi, tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ vị thành niên từ 15 - 18 tuổi. “Chúng ta biết rằng việc xây dựng các kỹ năng mềm từ khi còn trẻ - ví dụ như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, làm việc nhóm và giao tiếp, sẽ giúp thanh niên trở thành những người có khả năng thích ứng và linh hoạt, đồng thời bổ trợ quan trọng cho các kỹ năng cụ thể trong công việc”, Phó đại diện UNICEF tại VN bày tỏ.

Việc trang bị các kỹ năng phù hợp cho trẻ em và trẻ vị thành niên tại VN ngày nay sẽ là yếu tố thúc đẩy chính đối với tăng trưởng kinh tế của đất nước trong tương lai gần.

Lesley Miller, Phó đại diện Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại VN

Các kỹ năng quan trọng đối với lao động trẻ

Theo bà Lan Anh, nghiên cứu “Đánh giá thiếu hụt về kỹ năng nghề nghiệp và thực hành tốt của doanh nghiệp để nâng cao tay nghề cho thanh thiếu niên yếu thế và dễ tổn thương” do VCCI và UNICEF thực hiện năm 2020 chỉ ra rằng trên toàn cầu, kỹ năng mềm ngày càng trở nên giá trị và cần thiết hơn so với kỹ năng thuộc về kỹ thuật do ảnh hưởng của số hóa và tự động hóa.

“Để tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới đây phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH-CN mới. Muốn đổi mới, sáng tạo, phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhất là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ. VCCI kêu gọi sự tham gia và chung tay của tất cả các bên cùng với doanh nghiệp xây dựng những chương trình phát triển kỹ năng việc làm thực sự phù hợp cho các bạn trẻ trong tương lai”, Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng tập trung vào năng suất cao và lực lượng lao động có tay nghề, việc phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động sẽ không còn là một lợi thế so sánh. Bà Lesley Miller nhìn nhận: “Việc trang bị các kỹ năng phù hợp cho trẻ em và trẻ vị thành niên tại VN ngày nay sẽ là yếu tố thúc đẩy chính đối với tăng trưởng kinh tế của đất nước trong tương lai gần”.

Bà Lesley Miller cho biết UNICEF đã thiết kế và thử nghiệm các phương pháp tiếp cận đổi mới sáng tạo liên quan đến các kỹ năng học tập, phát triển nghề nghiệp, cơ hội nghề nghiệp và việc làm tốt, dựa trên các thông lệ quốc tế tốt. Những nội dung này đều có thể được mở rộng trên quy mô lớn hơn, điều này góp phần chuẩn bị tốt hơn cho khoảng 1,6 triệu thanh niên VN tham gia lực lượng lao động hằng năm, mà phần lớn những thanh niên này hiện không có hoặc thiếu kỹ năng làm việc.

Theo chuyên gia Lê Đình Hiếu, các kỹ năng quan trọng đối với lao động trẻ VN cần lưu ý và trang bị, đó là kỹ năng: kỹ thuật số, quản lý, kiểm soát cảm xúc và kỹ năng vượt qua khó khăn.

Với kỹ năng kỹ thuật số, người trẻ có thể tự trang bị kiến thức bằng cách đọc hiểu, tra cứu thông tin, xây dựng tri thức cho chính mình và có thể chia sẻ kiến thức của mình cho người khác. Một kỹ năng rất quan trọng đối với người trẻ VN, theo ông Hiếu, đó là kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Dẫn số liệu từ một nghiên cứu của UNICEF, có 8 - 29% người trẻ VN mắc các chứng bệnh về sức khỏe tâm thần, 4,6% trẻ em dưới 16 tuổi đã nghĩ đến việc tự tử, ông Hiếu bày tỏ: “Cạnh tranh khi bước vào ngưỡng cửa ĐH, cạnh tranh việc làm khi ra trường… đang là sức ép lớn với thanh niên, chúng ta phải làm sao để người trẻ VN có kỹ năng thích nghi với môi trường mới, kỹ năng quản lý cảm xúc. Vấn đề này trường phổ thông, trường ĐH VN chưa làm được”.

Vị chuyên gia này đánh giá khả năng vượt khó, khả năng bền bỉ, kiên trì của lao động trẻ hiện nay bị giảm đi rất nhiều, họ dễ bị thu hút, dễ bị tác động của xung quanh. Nhiều người trẻ cứ 2 năm lại nhảy việc 1 lần.

Để tăng cường và trang bị kỹ năng chuyển đổi cho thanh thiếu niên và người lao động, bên cạnh sự tham gia đào tạo của các doanh nghiệp, PGS-TS Nguyễn Thị Thuận, nguyên quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Lao động - Xã hội, đề nghị: “Các cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra các chính sách thúc đẩy nâng cao kỹ năng cho người lao động. Trong đó, đầu tư kinh phí xây dựng ngân hàng bài giảng, đào tạo đội ngũ giảng viên; thiết lập hệ thống kiểm tra, đánh giá, cấp bằng chứng chỉ. Các cơ sở giáo dục các cấp và doanh nghiệp phải cùng tham gia đào tạo”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.