Dễ dàng tìm việc
Hết hạn hợp đồng 6 năm tại Hàn Quốc, thay vì tìm cách ở lại cư trú bất hợp pháp như một số người, Lê Khả Dũng (29 tuổi), quê ở H.Cẩm Thủy (Thanh Hóa) quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Dũng bộc bạch: "Ở Hàn Quốc, mình làm trong nhà máy sản xuất cơ khí chế tạo, thu nhập khá ổn định, khoảng 2,5 triệu won/tháng (hơn 45 triệu đồng/tháng). Ban đầu vốn tiếng Hàn ít ỏi, giao tiếp khá khó khăn, về sau mình vừa trau dồi học tiếng, vừa học hỏi nâng cao tay nghề từ các đồng nghiệp đi trước. Với số vốn tích góp ở bên Hàn Quốc, mình đã xây được nhà và có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm. Mình đã nộp đơn vào một số doanh nghiệp, hiện tại mình đang cân nhắc lựa chọn làm ở Hà Nội hay Bắc Ninh".
Tại hội chợ việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội và Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) tổ chức vừa qua, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết trong số 45 doanh nghiệp tham gia tuyển chọn, có 12 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc, 7 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản. Tổng nhu cầu tuyển dụng là 1.337 chỉ tiêu.
Ông Thành chia sẻ: "Để chuẩn bị cho các đơn hàng cuối năm, trong tháng 11, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc tại VN tăng tuyển dụng, tập trung chủ yếu ở các ngành nghề như: quản lý sản xuất, biên - phiên dịch, kỹ thuật CNC, công nhân sản xuất điện tử, cơ khí - hàn, điện - điện tử, công nhân vận hành máy… Mức lương phổ biến từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, nhiều vị trí trên 15 triệu đồng/tháng".
Theo ông Thành, các đối tượng đi xuất khẩu lao động từ nước ngoài về được nhiều doanh nghiệp săn đón, bởi các bạn nằm trong độ tuổi khá trẻ, từ 26 - 35 tuổi, có sức khỏe, có tay nghề, được đào tạo bài bản, đủ độ chín. Các doanh nghiệp khi tuyển dụng sẽ không phải mất nhiều thời gian đào tạo lại.
Bà Lê Thị Vân, phụ trách nhân sự một doanh nghiệp Nhật Bản tại Hà Nội, cho hay: "Nhu cầu nhân sự chủ yếu liên quan lĩnh vực cơ khí, điện tử, lắp ráp... Do đó, chúng tôi ưu tiên và tìm kiếm những ứng viên có tay nghề, tác phong chuyên nghiệp, nhất là biết sử dụng tiếng Nhật trong công việc. Nhật Bản là đất nước có tính kỷ luật rất cao, sau thời gian học tập và làm việc tại Nhật, lao động VN trưởng thành hơn rất nhiều. Đây chính là nguồn nhân lực chúng tôi đang cần, quan trọng nhất là được làm việc tại quê hương, các bạn dễ dàng tìm việc hơn và có thể thích ứng nhanh với môi trường làm việc".
Ông Vũ Tuấn Ngọc, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH thiết bị công nghiệp Bảo Ngân CIP (Hà Đông), cho hay công ty hiện đang cần 20 vị trí nhân viên kinh doanh, kỹ thuật marketing biết tiếng Hàn, tiếng Nhật và đã có kinh nghiệm làm việc với người Nhật, người Hàn. Mức lương tùy theo vị trí, nhưng lương cơ bản thấp nhất là 10 triệu đồng chưa tính thưởng doanh số.
"Các bạn trẻ có trình độ cử nhân tiếng Nhật, tiếng Hàn thường lựa chọn làm công việc văn phòng, ít khi lựa chọn làm công việc kinh doanh hoặc làm ở nhà máy. Do đó, các lao động đi xuất khẩu từ nước ngoài về rất phù hợp với doanh nghiệp chúng tôi. Với trình độ ngoại ngữ giao tiếp sẵn có, khi vào công ty các bạn sẽ được học thêm về kinh doanh, vừa phát triển cho bản thân vừa biết phát triển nghề nghiệp", ông Ngọc thông tin.
Nguồn nhân lực quý giá
Theo ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, việc hỗ trợ và kết nối việc làm cho những người lao động hồi hương sau thời gian làm việc ở nước ngoài là một chính sách không chỉ mang tính nhân văn, giúp người lao động hồi hương tìm kiếm công việc ổn định, phù hợp với năng lực, mà còn tạo điều kiện giúp họ tái hòa nhập thị trường lao động trong nước. Trong hơn 12 năm qua, Bộ LĐ-TB-XH đã chỉ đạo Trung tâm lao động ngoài nước phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức gần 90 hội chợ và phiên giao dịch việc làm, thu hút khoảng 2.000 doanh nghiệp với nhiều vị trí việc làm hấp dẫn. Thông qua các hoạt động này, hơn 17.000 lượt người lao động đã được kết nối và tư vấn về các cơ hội việc làm.
Ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước, cho biết thông qua Hội chợ việc làm kết nối, hỗ trợ đào tạo và giới thiệu việc làm, tạo cơ hội cho người lao động về nước tìm được việc, giúp các doanh nghiệp VN và doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc và Nhật Bản tại VN tuyển dụng được lao động có kinh nghiệm và năng lực phù hợp, góp phần động viên, khuyến khích người lao động tuân thủ quy định, yên tâm về nước. Đây cũng là một trong những giải pháp hạn chế lao động hết hợp đồng, bỏ trốn ở lại làm việc bất hợp pháp tại nước sở tại.
Ông Nguyễn Tây Nam, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, đánh giá: "Việc triển khai chương trình đưa người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản theo chương trình EPS và IM Japan đã mang lại cơ hội việc làm tốt, thu nhập ổn định, nâng cao tay nghề, trình độ ngoại ngữ, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức xã hội cho người lao động. Sau khi trở về nước, hàng nghìn lao động đã trở thành nguồn lực có chất lượng, giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và là cầu nối văn hóa giữa VN và quốc tế".
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan thông tin: "Thời gian tới, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Sở LĐ-TB-XH các địa phương, đại sứ quán các nước và doanh nghiệp trong nước tổ chức các hoạt động hỗ trợ giới thiệu việc làm, giúp người lao động hồi hương nhanh chóng ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình. Đây là hướng đi đúng đắn để chúng ta đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, lan tỏa tác phong công nghiệp và kỹ năng đã tích lũy của người lao động tại nước ngoài vào thị trường lao động trong nước".
Bình luận (0)