Là một trí thức trẻ đạt nhiều thành công trong nghiên cứu khoa học, PGS-TS Tạ Hải Tùng (ảnh) bày tỏ trăn trở và khát vọng của anh cũng như các bạn trẻ cùng thế hệ về xây dựng, phát triển đất nước.
Là một trí thức trẻ đạt nhiều thành công trong nghiên cứu khoa học, PGS-TS Tạ Hải Tùng (ảnh) bày tỏ trăn trở và khát vọng của anh cũng như các bạn trẻ cùng thế hệ về xây dựng, phát triển đất nước.
|
PGS Tạ Hải Tùng chia sẻ: Mỗi thế hệ đều có sứ mệnh lịch sử riêng. Thế hệ cha anh đã đấu tranh, giữ gìn độc lập dân tộc. Còn thế hệ sinh sau những năm 1980 chúng tôi thì sao? Tôi cảm nhận được rằng thế hệ mình phải mang trọng trách đưa đất nước phát triển và hội nhập mạnh mẽ với thế giới.
Tại sao anh lại cho rằng mình và bạn bè phải gánh trọng trách đó?
Chúng tôi được hưởng những lợi thế mà các thế hệ trước không có. Chúng tôi sinh ra, lớn lên rồi trưởng thành trong hòa bình, có nhiều thuận lợi hơn trong học hành. Với những lợi thế đó, nếu chúng tôi không làm được điều gì đó cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì không nên đổ tại cơ chế mà nên nhận lỗi về mình trước tiên.
Theo anh, những ưu thế nổi bật của thế hệ 8X là gì?
Muốn phát triển đất nước, con đường đúng đắn nhất là hội nhập quốc tế. Muốn hội nhập cần hai yếu tố hàng đầu: ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Cả hai yếu tố này chúng tôi đều được trang bị tốt hơn nhiều so với các thế hệ trước. Về tư duy định hướng, tôi cho rằng chúng tôi hoạch định cuộc đời mình cũng như biết cách giải quyết công việc một cách thực tế. Chúng tôi không bị ràng buộc bởi sự giáo điều, khuôn sáo. Chúng tôi làm việc gì là vì thấy cần phải làm chứ không phải làm để cho ai đó hài lòng.
Tuy nhiên, ở một thái cực khác có một số bạn trẻ chạy theo lợi ích trước mắt của cá nhân chứ không dám dấn thân theo đuổi phục vụ cho những giá trị bền vững của xã hội. Điều đó là một thực tế, và chúng ta phải chấp nhận như chấp nhận sự đa dạng của cuộc sống.
Còn năng lực sáng tạo thì sao?
Muốn sáng tạo, trước hết chúng ta cần có những nền tảng tri thức tốt, sau đó là phải được tiếp cận với thế giới để mở rộng tầm nhìn, tránh “ếch ngồi đáy giếng”. Bạn phải có đủ kiến thức rồi mới hình thành được các ý tưởng mới. Tôi tâm niệm mỗi người chúng tôi hãy cần mẫn góp từng viên gạch cho việc tạo dựng nền móng vững vàng để thế hệ sau xây tháp. Hiện tôi phụ trách một trung tâm nghiên cứu, làm việc với nhiều bạn trẻ, tôi vẫn thường nói với các bạn ấy rằng, để phát triển lành mạnh nhất là trong khoa học công nghệ không nên trông chờ vào “đi tắt đón đầu” cũng như dồn nguồn lực (vốn đã hạn chế) vào những “đỉnh cao”, trong khi chân đế chưa đủ vững, vì kể cả thành công thì nó cũng sẽ dễ khiến bạn ảo tưởng. Việc tạo ra thành phẩm nhất thời không phải là quá khó, duy trì và phát triển bền vững mới khó.
Vậy điều gì khiến anh kỳ vọng về thế hệ mình?
Khi ra nước ngoài, tôi nhận thấy về mặt phẩm chất con người cũng như về tư duy, người VN mình không mấy thua kém bạn bè. Nhưng điều khiến tôi cảm giác mình và bạn bè thua kém là người ta lao động không chỉ để hoàn thành công việc mà với tinh thần đam mê, cống hiến.
Tôi nghĩ thế hệ chúng tôi ngày càng nhiều người nhận thức sâu sắc hơn thực trạng này. Vấn đề ở chỗ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách cũng cần phải làm sao để chúng tôi yên tâm làm việc, được đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, tức là sống được với đồng lương, sau đó là một môi trường lành mạnh công bằng, được tin tưởng, được ghi nhận công sức đúng với kết quả công việc thì giá trị mà chúng mang lại giống như được trọng dụng.
Tạ Hải Tùng (35 tuổi), được phong học hàm phó giáo sư năm 2014. Anh từng được các giải thưởng Quả cầu vàng 2013; Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo năm 2013; Gương mặt trẻ VN triển vọng năm 2013. Hiện anh là Giám đốc Trung tâm quốc tế nghiên cứu và phát triển công nghệ định vị sử dụng vệ tinh tại Đông Nam Á (NAVIS), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
|
Bình luận (0)