Ước muốn lan tỏa thương hiệu cà phê của quê nhà và “kích hoạt” ý thức trồng trọt cho đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, ông Lê Đình Phức cùng với Hợp tác xã Chân Mây ở vùng cao Quảng Trị do ông dẫn dắt đang nỗ lực tìm hướng đi riêng...
Ông Lê Đình Phức, 60 tuổi, Giám đốc Hợp tác xã Chân Mây ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, H.Hướng Hóa (Quảng Trị), từng làm nông và kinh doanh nhỏ lẻ. Khi có dự án của Tổ chức World Vision (Tầm nhìn thế giới) để thành lập hợp tác xã sản xuất cây cà phê gắn với bà con dân tộc thiểu số, phát triển cây cà phê theo hướng nông sản sạch…, ông tham gia dẫn dắt hợp tác xã và đạt nhiều thành công suốt 3 năm qua.
|
Sau khi dự án kết thúc, nhận thấy tiềm năng phát triển cây cà phê theo hướng hữu cơ ở Hướng Phùng, ông tiếp tục duy trì hoạt động của hợp tác xã bằng vốn tự góp và vạch ra nhiều kế hoạch cho tương lai. Trong vòng 3 năm, với 70 ha đất trồng cà phê, Hợp tác xã Chân Mây sản xuất trung bình mỗi năm 70 tấn cà phê tươi theo hướng hữu cơ (doanh thu 1 tỉ đồng), hơn 1 tấn cà phê đã chế biến (doanh thu 200 triệu đồng), chưa kể 380 tấn/năm sản xuất theo hướng truyền thống bán đại trà. Sản phẩm xuất bán tại các tỉnh, thành lớn, 22 lao động được tạo công ăn việc làm (trong đó 18 lao động người dân tộc Vân Kiều).
“Nói đến xây dựng thương hiệu cà phê sạch, thơm ngon thì ở đâu cũng có, nhưng cà phê Hướng Phùng không chỉ dừng thương hiệu mà còn có cả câu chuyện ý nghĩa. Người thưởng thức sẽ cảm thấy thú vị hơn khi uống ly cà phê được làm từ đôi tay của người Vân Kiều. Mỗi sản phẩm bán ra được sẽ trích 2.000 đồng vào quỹ khuyến học của hợp tác xã”, ông Phức tâm sự.
Với những bước phát triển thuận lợi ban đầu, ông Phức đang vạch thêm nhiều kế hoạch tương lai cho hợp tác xã. Đơn cử dự án trồng cây cà phê dưới tán rừng, phát triển các sản phẩm ống hút từ cây tre, đóng gói sản phẩm cà phê bằng cây tre của Mây tre đan Chênh Vênh…
|
Ông Phức chia sẻ thêm, với dự án này, ông mong thấy được một sự thay đổi trong nhận thức của đồng bào, liên quan đến câu chuyện trồng trọt, nhận chân giá trị cây nông nghiệp… “Trước đây, bà con nhận thức đơn giản về trồng trọt, chỉ biết làm nương rẫy tự phát. Qua dự án này, bà con được tập huấn, được đi học tại các thành phố lớn nên có hiểu sâu hơn về giá trị mang lại từ cây cà phê và cây nông nghiệp nói chung. Bà con cũng có cái nhìn mới trong sản xuất, lợi nhuận và kinh nghiệm phát triển hợp tác xã”, ông Phức nói.
Hiện tại, dự án đang hoạt động dưới dạng vốn tự góp, đồng bào Vân Kiều hưởng lợi nhuận theo số cổ phần đã góp. Ông Phức mong muốn chính quyền địa phương quan tâm đến tiềm năng phát triển của hợp tác xã, nhất là khi mô hình kinh doanh du lịch cộng đồng kết hợp nông nghiệp đang là xu thế tại vùng cao Quảng Trị. Sắp tới, hợp tác xã có kế hoạch xây dựng mô hình này, tận dụng lợi thế của các danh lam thắng cảnh trên địa bàn để “gia cố” cho sản phẩm cà phê Chân Mây.
Bình luận (0)