Ở cồn Sơn, cù lao xanh nằm giữa sông Hậu, ông Nguyễn Thành Tâm (41 tuổi) được người dân làm du lịch đặt biệt danh “vua” xiếc cá lóc.
Không chỉ tập cho cá lóc bay lên đồng loạt táp mồi khi cho ăn, gần đây ông Tâm đã huấn luyện thành công cá lóc bú bình. Đàn cá lóc bú bình có khoảng 700 con gây hiếu kỳ, thích thú cho du khách mỗi khi được trải nghiệm cho cá ăn.
Phiên bản đặc biệt “hậu” cá lóc bay
Giải thích về sản phẩm du lịch mới ra mắt, ông Tâm cho biết cá lóc bú bình là một “phiên bản” khác đặc biệt “hậu” cá lóc bay. “Cá lóc cũng như con người vậy, lúc còn nhỏ tới thanh niên rất hăng, mỗi lần rải thức ăn là đồng loạt bay lên tranh táp mồi. Hồi già, trọng lượng lớn, cơ thể nặng nề nó cũng làm biếng bay. Nghĩ vậy, tôi tự nhủ hay mình cho chúng dưỡng già rồi chăm mớm cho ăn bằng bình sữa chơi. Nếu thành công biết đâu có cái hay để du khách trải nghiệm”, ông Tâm hứng chí kể và cho biết ông bắt tay thí điểm tách đàn cá lóc bay đạt trọng lượng khoảng trên 1,2 kg sang riêng một vèo (ô quây bằng lưới dưới nước - PV) để ngưng không cho ăn theo kiểu cá lóc bay nữa.
|
1 tuần, 1 tháng, 2 tháng, rồi 6 tháng trôi qua, những con cá lóc mới bắt đầu thích nghi, thậm chí có vẻ thích thú khi được đút ăn tận miệng thay vì phải nhảy cao giành giật như xưa.
Kể thêm về bí kíp huấn luyện cá lóc, ông Tâm cho biết cá lóc khá nhát nhưng có đặc tính háu ăn. Đó là điểm thuận lợi để “thuần phục” được loài cá này. Tuy nhiên, việc huấn luyện cá lóc nói chung và cá lóc bú bình nói riêng cũng cần có đam mê và sự kiên trì.
Cách làm du lịch này của bà con cồn Sơn quá độc đáo, sáng tạo. Thực sự mình đã đi nhiều nơi nhưng chưa bao giờ gặp được những sản phẩm thú vị như vậy. Đặc biệt là cách thuần phục loài cá này của chủ vườnAnh Quang, du khách đến từ Hải Phòng |
“Ban đầu rất khó khăn để tập hợp đàn cá về tụ điểm ăn mới, dạy hình thành thói quen mới. Trong 1 - 2 tháng đầu, cá đến ăn lưa thưa và dễ tháo chạy khi có động tĩnh. Sau đó, hằng ngày nhiều người thay phiên nhau cầm bình sữa mớm cho cá ăn để tập dần cho chúng dạn dĩ với khách du lịch. Cứ thế mất nửa năm cần mẫn cá mới dần hình thành thói quen bú bình”, ông Tâm chia sẻ.
|
Du khách thích thú trải nghiệm
Khoảng một tháng nay, khi “vua” xiếc cá lóc Nguyễn Thành Tâm ra mắt đàn cá bú bình, lập tức bầy cá gây được ấn tượng mạnh với du khách. Cá lóc bú bình cũng được các hộ làm du lịch cộng đồng trong Câu lạc bộ liên thế hệ khu vực 1, cồn Sơn giới thiệu như một sản phẩm chính thức, nhưng không thu phí.
|
Cầm bình đựng thức ăn cho cá lóc ăn, anh Quang, một du khách từ Hải Phòng, thích thú và tỏ ra ngạc nhiên trước sự thân thiện của đàn cá lóc. “Cách làm du lịch này của bà con cồn Sơn quá độc đáo, sáng tạo. Thực sự mình đã đi nhiều nơi nhưng chưa bao giờ gặp được những sản phẩm thú vị như vậy. Đặc biệt là cách thuần phục loài cá này của chủ vườn”, anh Quang nói.
Cũng thích thú với đàn cá lóc bú bình, chị Nhung, khách du lịch từ TP.HCM, mê mẩn ngồi cầm bình sữa mớm thức ăn cho đàn cá ăn, rồi thi thoảng đưa tay xuống ao vuốt ve đầu cá lóc. “Tôi ở thành phố lâu ngày dường như quên mất cảm giác sống thế nào là hòa quyện với thiên nhiên. Về cồn Sơn, ngồi đây cho cá ăn như vậy, thật bình yên quá. Thiệt tình chưa già mà thấy không khí ở đây chỉ muốn dọn luôn về đây sống”, chị Nhung nói.
Phóng sinh những đàn cá không còn khả năng biểu diễn
“Ăn, ngủ” với đàn cá lóc nên ông Tâm cũng dành nhiều yêu thương, mỗi ngày đều ngồi vuốt ve, chăm bẵm bầy cá chẳng khác gì thú cưng. Đặc biệt, có một điều đầy ý nghĩa là đàn cá lóc bú bình hay những bầy cá lóc bay nuôi trong ao vườn của ông Tâm đều chỉ để phục vụ khách du lịch mà không bị đem bán thương phẩm, hoặc mổ thịt. Mỗi năm, ông Tâm cùng bà con liên kết làm du lịch ở cồn Sơn còn sàng lọc ra những bầy cá lớn để thả về sông Hậu.
Về việc phóng sinh này, ông Tâm chia sẻ: “Tôi thấy mình nuôi lũ cá từ nhỏ, chúng làm việc và đã giúp mình có thu nhập từ du lịch rồi không nên tận thu quá mức. Khi chúng lớn quá, không còn hứng biểu diễn nữa, tôi thả chúng về sông để tiếp tục sống và sinh sôi”.
|
Bình luận (0)