Hỏi sao không nghỉ dưỡng già, ông cười tươi: “Tui nói mấy anh lãnh đạo xã miết đó chớ, mà mấy ảnh kêu chú tìm người giúp cho. Giới thiệu mấy người rồi, mà mấy ảnh chưa ưng”, ông Tăng Bồn giải thích vì sao đã 90 tuổi mà ông vẫn chưa thể nghỉ ngơi, cứ thích làm việc “bao đồng”.
30 năm vác tù và…
“Năm 1990, lãnh đạo xã kêu tui lên trụ sở giao cho làm tất tần tật các việc liên quan đến công tác chữ thập đỏ, từ thiện, nạn nhân chất độc da cam, hiến máu nhân đạo, vận động sinh đẻ kế hoạch hóa…”, ông Tăng Bồn nhớ lại thời điểm khi ông đã 60 tuổi và đang làm “ba chuyện tầm phào” ở thôn Ngọc Kinh Tây thì được lên xã nhận một lúc mấy chức.
Chuyện tầm phào theo ông Tăng Bồn là sáng lập hũ gạo tình thương ở thôn giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; vận động thanh niên đến mùa mưa lũ, bão tập trung dọn dẹp, di chuyển vật dụng lên cao giúp các gia đình có người già, neo đơn trong thôn…
“Hồi đó, tui vận động mỗi hộ một mùa đóng góp 2 lon gạo để lập hũ gạo tình thương. Trong thôn nhà ai có việc gì cần trợ giúp thì lấy gạo này ra bán lấy tiền chia sẻ. Của ít, lòng nhiều trên cơ sở cái tình của bà con xóm giềng với nhau là chính”, ông Tăng Bồn nói về lý do hũ gạo tình thương của xã Đại Hồng phát triển từ thôn này đến thôn khác.
“Bây giờ, bà con không góp gạo nữa mà thay bằng hình thức góp tiền hằng năm. Tính sơ sơ, mỗi chi hội chữ thập đỏ ở các thôn của xã cũng có quỹ vài chục triệu đồng. Quỹ này luôn sẵn sàng để giúp các hoàn cảnh khó khăn”, ông Tăng Bồn nói và cho biết thêm nguồn quỹ này được quản lý chặt chẽ, có sự giám sát của bà con trong thôn nên… không lo bị tư lợi.
Bây giờ ông Tăng Bồn không còn “nắm chức” ở hội nạn nhân chất độc da cam, dioxin của xã nữa, nhưng hầu hết các gia đình có người thân là nạn nhân chất độc da cam đều quý mến ông.
Hôm chúng tôi cùng ông đến thăm gia đình cháu Bùi Quang Tiễn (15 tuổi, nạn nhân chất độc da cam), mẹ cháu là chị Trương Thị Thanh Tâm vui mừng khi thấy con trai nở nụ cười tươi tắn. “Ông lên thăm con kìa!”. Nói với con xong, chị Tâm chia sẻ: “Cháu nó nghe tiếng ông là vui vẻ liền. Nằm một chỗ từ nhỏ tới giờ, nhưng mỗi khi ông tới thăm là cháu nó biết hết. Nó biết ông thương nó lắm”.
Hai vợ chồng chị Tâm cưới nhau rồi sinh con, nhưng oái oăm thay, Đại Hồng là nơi trong chiến tranh gánh chịu chất độc da cam, nên cháu Tiễn ra đời không được như ý. Còn chị Tâm cũng không thể sinh thêm. “Vợ chồng trẻ này khó lắm. Hồi đó, tui vận động xin cho cháu nó cặp bò nuôi để làm vốn. Thời gian sau, vợ chồng xin bán bò để làm nhà. Tui cũng đi xin chỗ này, chỗ khác để phụ gia đình thêm. Rồi kế nữa là… đi xin tiếp để cho vợ chồng mở quán nhỏ vừa bán vừa coi con nằm liệt một chỗ”, ông Tăng Bồn nói về hoàn cảnh của gia đình chị Thanh Tâm.
“Người đi xin số 1”
Ở xã Đại Hồng, nhiều người vui vẻ đặt cho ông biệt danh: “Người đi xin số 1”. Hỏi ông về biệt danh này, ông cười hiền lành: “Nói thiệt, mình chỉ có cái công thôi. Còn đi xin cho bà con, chớ có phải xin về bỏ túi cho cá nhân, gia đình mình đâu mà mình sợ”, ông Tăng Bồn tâm sự.
Thế nhưng, không phải lúc nào chuyện “đi xin” của ông cũng suôn sẻ. Có người cũng tiếng nặng, tiếng nhẹ khi nghe ông “xin cái gì đó”. Nhưng ông vẫn ôn tồn, nhẹ nhàng, giải thích, thuyết phục. “Mình trải hết lòng rồi, mà có người chưa chịu nghe, chưa đồng cảm, chia sẻ thì… hôm sau mình lại đến! Có người thấy mình “lì đòn” quá cũng nghĩ lại “ông già đâu xin gì cho ổng”, nên vui vẻ đóng góp, tương trợ cho nhau”, ông Tăng Bồn chia sẻ bí quyết thuyết phục mọi người cùng tham gia các cuộc vận động giúp đỡ trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, tặng xe lăn cho người khuyết tật; tặng bò, gà, heo cho người nghèo với số tiền huy động hàng trăm triệu mỗi năm.
“Cái chuyện đi xin ni nói ra nghe tưởng dễ lắm. Nhưng thực ra, phải có tâm, có đức mới làm trọn việc, bởi bà con biết hết. Họ biết mình làm vì cái gì, đi xin cho ai, xin về rồi có công khai hết không, trao phát như thế nào, có đến tận tay người cần giúp không, rồi có cắt xén gì không… Bà con tin tưởng, mấy chục năm qua, biết mình cũng chỉ vác tù và hàng tổng, bao đồng vì cái chung, nên mọi việc đi xin đều thuận lợi”, ông Tăng Bồn tâm tình và nói rằng ở tuổi 90 ông vẫn còn sức đạp xe đi khắp các thôn trong xã miền núi Đại Hồng để nắm từng hoàn cảnh, từng phận người, rồi đi xin, vận động khắp nơi để chia sẻ với nhau, cho cuộc sống nhẹ nhàng, tốt đẹp hơn lên…
Bình luận (0)