Cùng đồng đội “vật lộn” ở vùng lũ
Không khó để tìm ra số liên lạc với đại úy Nguyễn Xuân Thông (36 tuổi, Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị). Nhưng để trò chuyện một vài phút trong những ngày này quả không dễ, bởi anh đang cùng đồng đội “vật lộn” ở vùng lũ tại H.Hải Lăng và H.Triệu Phong, nơi nước ngập tận nóc nhà. Lúc thì anh bảo “mình đang lái ca nô”, lúc lại “mình đang ở trong vùng ngập lũ” hoặc không bắt máy…
Đại úy Thông kể chiều 9.10, khi nhận lệnh của chỉ huy vào giải cứu bà con tại xã Hải Lâm (H.Hải Lăng) bị nước lũ vây lên tận mái nhà, các chiến sĩ CSGT đi ca nô vào sâu bên trong thôn Thượng Nguyên. Khi đến nơi, gió to và nước chảy xiết, đoàn rất vất vả mới cập mạn ca nô vào một số nhà dân gần đó.
“Lúc này, chúng tôi nghe tiếng kêu cứu, khi cùng đồng đội bước vào thì thấy một người mẹ và trẻ sơ sinh. Tình thế cấp bách, tôi lập tức lội nước đưa cháu bé lên ca nô”, anh nhớ lại.
Đại úy Thông không có nhiều thời gian dành cho cháu bé (sau này mới biết cháu tên là Nguyễn Thanh Tùng, 3 tháng tuổi, con của chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh, 28 tuổi, ở thôn Thượng Nguyên). Bởi sau khi đưa được mẹ con chị Oanh lên nơi cao ráo, đại úy Thông cùng đồng đội vội quay đầu ca nô, hướng thẳng vùng rốn lũ để tiếp tục cứu người...
Chuyến cuối cùng mà nhóm cứu hộ thực hiện ở khu vực xã Hải Lâm hôm 9.10 lúc 17 giờ, mọi người vừa kịp ăn ổ bánh mì lót bụng thì vài chục phút sau lại được điều động ra khu vực ngập lụt nặng của H.Triệu Phong để tiếp tục hỗ trợ người dân.
“Đến 22 giờ ngày 9.10, tôi mới về tới nhà, người ướt nhẹp, đói lả, tay nhấc chén cơm cũng thấy bủn rủn vì phải ghì tay lái ca nô quá lâu... Ấy thế mà sáng hôm sau, lại được chỉ huy điều động đi cứu người, mọi mệt nhọc hôm qua đã tan biến đâu mất”, đại úy Thông nói.
Có “duyên” với người vùng lũ
Năm 2009, đại úy Thông có lần… vô tình lên báo khi đang hì hục bế một cụ già chạy lũ.
Năm đó, anh và đồng đội cũng sử dụng ca nô lao vào vùng rốn lũ từ 5 giờ, mãi đến 15 giờ mới được ăn miếng cơm với muối đậu nguội ngắt do chính người dân vùng lũ san sẻ.
“Chúng tôi đã men theo những con nước để gõ cửa từng nóc nhà cứu người. Chúng tôi kéo họ lên ca nô, chở ra ngoài rồi lại chạy vào. Trong đầu anh em cứ nghĩ, thôi cố trở lại thêm một lần nữa, cứu thêm một vài người... Sa đà và quên luôn cả cái đói”, anh nhớ lại.
Trong lần đi cứu người năm đó, anh gặp một tai nạn khá nặng, vẫn hằn vết sẹo. Trong chuyến ca nô cuối, phải đi gần mép sông do nước chảy xiết, khi men theo lối nhỏ và hẹp thì có thanh tre bật thẳng vào vị trí lái khiến anh gục bất tỉnh ngay trên tay lái, máu me đầm đìa. “Lúc này, ca nô lại bất ngờ chết máy giữa dòng, mãi sau đồng đội mới đưa được tôi vào bờ để đi cấp cứu rồi chuyển thẳng ra Hà Nội phẫu thuật cắt toàn bộ sụn vỡ ở mũi”, đại úy Thông kể.
Khi có lệnh xuất phát đi vào vùng lũ, anh chưa bao giờ chối từ, thậm chí còn hăng hái hơn trước. “Ngoài chuyến bị gãy mũi năm đó, rất nhiều sự cố lớn bé đã xảy đến với tôi và đồng đội trong những lúc vào rốn lũ cứu dân. Thú thật, vào khu vực này thường không biết chuyện gì có thể xảy ra. Lúc thì chết máy, lúc thân cây vướng vào chân vịt, lúc ca nô gãy trục... Nhưng may mắn là chúng tôi đều đã vượt qua cả”, đại úy Thông nói.
Trong suy nghĩ của đại úy trẻ, giúp được người khác đã cảm thấy vui thì huống hồ là tham gia cứu người khi họ đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. “Chỉ nghĩ như thế thôi là tôi và đồng đội lại sẽ lao ca nô về vùng lũ dữ cứu người mà không cần nghĩ suy thiệt hơn”, anh tâm sự.
Bình luận (0)