Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cơ quan này đề xuất xe cơ giới khi tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình (camera giám sát hành trình); thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe (camera trong cabin).
Ban đầu, đề xuất của Bộ Công an khiến nhiều người lo ngại, bởi xe cơ giới gồm cả xe ô tô cá nhân, nếu bắt buộc phải lắp các thiết bị giám sát sẽ ảnh hưởng đến đời tư của chủ xe.
Sau đó, đại diện Bộ Công an đã giải thích, rằng quy định bắt buộc lắp camera giám sát chỉ áp dụng với xe kinh doanh vận tải, xe ô tô cá nhân sẽ dừng ở mức khuyến nghị. Cơ quan soạn thảo sẽ lắng nghe góp ý từ xã hội để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia, đại biểu, luật sư đều chung quan điểm: camera giám sát hành trình lắp trên xe ô tô cá nhân dù rất hữu ích nhưng không thể bắt buộc, chỉ nên khuyến khích.
Nghiên cứu kỹ tác động mang lại
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết hiện có gần 1 triệu phương tiện kinh doanh vận tải thuộc đối tượng bắt buộc phải lắp camera giám sát.
Dữ liệu thu thập chủ yếu phục vụ cho hoạt động quản trị của doanh nghiệp (theo dõi số km xe chạy, tiêu hao nhiên liệu, kiểm soát hành khách lên xuống, giám sát hàng hóa…), một phần phục vụ cho công tác quản lý nhà nước.
Tiềm năng từ dữ liệu là rất lớn, nhưng hiện cơ quan chức năng mới chỉ khai thác được một phần nhỏ. Ví dụ khi có tai nạn hoặc khiếu nại thì mới trích xuất để kiểm tra, xem trạng thái hoạt động của xe ở thời điểm đó như thế nào, tài xế có tuân thủ quy định hay không.
Thực tế trên cho thấy còn nhiều dư địa để tận dụng, phục vụ cho công tác quản lý. Tuy nhiên, các phần mềm tích hợp chưa đủ thông minh, hiện đại để khai thác tối đa.
Từ câu chuyện của gần 1 triệu phương tiện kinh doanh vận tải, ông Quyền cho rằng phải cân nhắc kỹ đối với gần 4 triệu xe ô tô cá nhân - phạm vi chịu tác động rộng hơn nhiều lần; cần nghiên cứu về những tác động mang lại, như chi phí mua sắm, lắp đặt thiết bị giám sát, chi phí hằng tháng để quản lý hệ thống dữ liệu và đường truyền…
Trong trường hợp xét thấy cần thiết đồng bộ lắp camera giám sát trên xe ô tô cá nhân, luật sư Nguyễn Văn Quynh, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho rằng cơ quan quản lý nên yêu cầu các nhà sản xuất xe "chuẩn hóa" sản phẩm trước khi bán tới tay người tiêu dùng, chứ không thể yêu cầu chủ xe phải lắp đặt sau khi mua xe.
Dữ liệu phải do chủ xe quản lý
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, với tình hình trật tự, an toàn giao thông như hiện nay, việc trang bị camera giám sát hành trình trên xe ô tô cá nhân là cần thiết.
Chẳng hạn trong những vụ va chạm hoặc tranh chấp pháp lý, nhiều khi người vi phạm và người bị vi phạm còn lẫn lộn với nhau. Nếu lực lượng chức năng giải quyết khách quan thì không nói, nhưng chỉ cần có sự chệch choạc nhỏ cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến kết quả xử lý.
Đại biểu Hòa cho rằng mỗi xe ô tô cá nhân nên lắp camera giám sát hành trình. Dữ liệu từ hệ thống giám sát phải được kiểm soát chặt chẽ, chỉ được khai thác, sử dụng khi pháp luật cho phép.
Đồng quan điểm, TS Cao Vũ Minh, Trường đại học Kinh tế - luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhận định dù việc lắp đặt camera giám sát trên xe ô tô cá nhân mang lại nhiều tiện ích, nhưng chỉ nên khuyến khích chứ không thể bắt buộc, bởi nếu thấy cần thiết và tiện lợi thì chủ xe sẽ tự lắp đặt.
Ông Minh đề cập đến thực tế về công tác bảo vệ thông tin dưới dạng dữ liệu số tại Việt Nam hiện còn hạn chế. Bằng chứng là rất nhiều dữ liệu cá nhân đã bị thu thập, sử dụng, mua bán bất hợp pháp thời gian qua; nhất là hình ảnh, video về đời tư, cá nhân.
Vì thế, trong trường hợp lắp đặt thiết bị giám sát trên xe, chủ xe phải là người quản lý, sử dụng dữ liệu thu thập được. Cơ quan nhà nước chỉ yêu cầu cung cấp trong trường hợp cần thiết (tai nạn, tranh chấp pháp lý) để làm căn cứ giải quyết. Tuy nhiên, việc can thiệp này cũng phải có hành lang pháp lý rõ ràng, tránh tùy tiện.
Bình luận (0)