Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.Đà Nẵng, giúp triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm, tham gia giám sát, truy xuất nguồn gốc tại các chợ, trung tâm thương mại, phù hợp với bối cảnh yêu cầu chất lượng ngày càng cao.
Sở An toàn thực phẩm tập trung một đầu mối cấp thành phố thanh kiểm tra với tần suất theo quy định, tránh chồng chéo và tình trạng cơ sở kinh doanh hằng năm chịu nhiều cơ quan thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm.
Thành lập sở này cũng thống nhất một đầu mối giải quyết thủ tục hành chính, cấp phép… mà trước đây phân cấp cho 3 sở.
Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.Đà Nẵng, qua 6 năm thí điểm mô hình ban quản lý đã cụ thể hóa được chủ trương của Đảng, Nhà nước về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đặt nền tảng để thành lập Sở An toàn thực phẩm.
Theo đánh giá, qua 6 năm thí điểm Ban quản lý An toàn thực phẩm, công tác quản lý nhà nước kịp thời hơn, việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin nhanh chóng hơn. Các cá nhân, tổ chức cũng thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống nhờ thống nhất đầu mối quản lý và thủ tục hành chính.
Sớm gỡ vướng pháp lý
Việc phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm được cụ thể từng sở, ngành, quận, huyện, xã, phường nên công tác quản lý, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận thuận lợi, hiệu quả.
Ban quản lý An toàn thực phẩm chủ trì, tham mưu UBND thành phố ban hành Bộ tiêu chí xây dựng mô hình chợ bảo đảm đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sở, ban, ngành, quận huyện triển khai được 22/66 chợ.
Ban quản lý cũng ban hành khung tiêu chí an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, xếp hạng 1 đến 5 sao, trong 2 năm đã công nhận 259 cơ sở, nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Tấn Hải, ban quản lý cũng là đầu mối tham mưu UBND thành phố bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm hết hiệu lực.
Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung nông nghiệp tại chỗ chỉ đáp ứng 10% nhu cầu thành phố, vai trò quản lý an toàn thực phẩm đặc biệt quan trọng để kiểm soát 90% nông sản nhập.
"Việc tập trung một đầu mối quản lý an toàn thực phẩm phát huy hiệu quả phản ứng nhanh trước diễn biến xã hội, cơ quan quản lý có tầm nhìn bao quát hơn, phát hiện, khắc phục sớm hơn các nguy cơ, xâu chuỗi có hệ thống và toàn diện hơn trước đây", ông Nguyễn Tấn Hải nói.
Tuy nhiên, do vẫn trong quá trình thí điểm nên mô hình Ban quản lý An toàn thực phẩm vẫn còn bất cập trong quyền hạn dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa phát huy tối đa.
"Với việc thành lập tổ xây dựng đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm, sẽ làm rõ quy trình, thủ tục từ các góp ý của bộ, ngành Trung ương, từ đó sớm giải quyết các vấn đề, nhất là vướng mắc về pháp lý, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đầu tư nguồn lực cho sở, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm", ông Nguyễn Tấn Hải nói.
Bình luận (0)