Câu 238 là “Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch Tương”. Đào Duy Anh giảng: “Dào mạch nước sông Tương, chỉ mối tương tư dào dạt. Theo truyền thuyết, sông Tương là chỗ vợ vua Thuấn xưa khóc vua Thuấn, người ta nhân điển ấy và nhân đồng âm với chữ tương nên dùng để tỷ dụ lòng tương tư”.
Đào Duy Anh đã giảng sai. Câu 238 nằm trong đoạn Kiều kể lại cho mẹ chuyện nàng “gặp” Đạm Tiên lúc chiều và sự lo xa của nàng (Phận con thôi có ra gì mai sau, câu 234) nên mới dào mạch Tương (nước mắt tuôn trào) chứ ở đây làm gì có chuyện “tương tư”. Đào Duy Anh cũng sai khi khẳng định vì “đồng âm với chữ tương nên dùng để tỷ dụ lòng tương tư”. Thật ra, chữ tương tự nó đâu đủ sức để chuyển tải khái niệm “tương tư”. Phải đi chung với chữ tư [思] là nhớ thì mới diễn đạt được chuyện “trồng cây si”, chứ bản thân nó thì còn cặp kè với nhiều chữ khác, trong đó có cả tương khắc là “xung đột với nhau” nữa.
Mạch Tương xuất phát từ hai chữ Tương lệ [湘淚], có nghĩa là “nước mắt [khóc ở] sông Tương”. Theo truyền thuyết, vua Thuấn đi tuần phương Nam, đến vùng Thương Ngô thì chết ở gần sông Tương.
Hai bà phi của vua Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh hay tin nên đến đó khóc chồng. Ven bờ sông Tương có rất nhiều tre gọi là “tre sông Tương” (Tương trúc). Nước mắt xót thương của hai bà chảy thấm thân tre. Từ đó về sau, thân tre sông Tương đều có đốm, vết tích của những giọt nước mắt đó. Đây dĩ nhiên chỉ là truyền thuyết.
Câu 2846 được Đào Duy Anh chép là: “Càng âu duyên mới càng dào tình xưa”. Các nhà chú giải khác cũng đọc chữ thứ 6 của câu này là “dào”, kể cả Nguyễn Tài Cẩn và Nguyễn Quảng Tuân khi phiên âm Kim Vân Kiều tân truyện do Nam Việt Gia Định Thành Cư sĩ Duy Minh Thị trùng san. Chúng tôi cho rằng kiểu đọc chữ này thành “dào” chẳng những không đúng với cách diễn đạt của Nguyễn Du mà còn mâu thuẫn với tâm lý của nhân vật nữa. Trước đó 9 câu, sau khi biết được Kiều đã bán mình và bặt vô âm tín thì Kim Trọng đã:
“Thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê
Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao”.
Thấy thế, Vương Ông sợ quá, bèn “sắm sửa chọn ngày” để se duyên cho chàng với Thúy Vân. Nhưng lòng thương nhớ Kiều của Kim có bao giờ nguôi: “Vui này đã cất sầu kia được nào” (câu 2844).
Thế thì tình cảm của Kim ở đây “dạt dào” là dạt dào như thế nào, “tràn trề” là tràn trề ra làm sao? Nói theo người bình dân Nam kỳ thì, về mối tình đối với Kiều, Kim Trọng còn “rầu thúi ruột” sau khi cưới Vân nữa, chứ “dạt dào”, “tràn trề” thế nào được. Ở đây chỉ có chữ dàu mới thích hợp mà thôi. Dàu là “buồn phiền, ủ rũ, kém tươi vui”, như đã giảng trong Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên. Dàu tình xưa là mòn mỏi vì mải mong chờ người tình xưa trong vô vọng. Các nhà phiên âm và chú giải “ép” Kim Trọng phải “dạt dào”, “tràn trề” tình cảm trong hoàn cảnh này thì chẳng tội nghiệp cho chàng ta lắm ru?
Bình luận (0)