Cụm từ này có nguồn gốc từ ca khúc Ai chung tình được mãi của Đông Thiên Đức, do ca sĩ Đinh Tùng Huy thể hiện, phát trên YouTube ngày 12.11.2021, tính đến nay đã đạt trên 61 triệu lượt xem.
Ca khúc Ai chung tình được mãi nói về “người cũ” của tác giả đã có một mối quan hệ khác, với… chính bạn thân của tác giả. Đây là một chuyện tình buồn, chất chứa tâm trạng cô đơn của tác giả, “Sợ chạm vào nỗi nhớ vu vơ, gian gian díu díu mập mờ”, chỉ biết làm bạn với bình minh (“Bình minh ơi dậy chưa? Café sáng với tôi được không!”) và bóng đêm (“Đêm ơi đã ngủ chưa? Ngồi đây uống với tôi vài ly”) …
Có lẽ những ca từ như thế đã khiến người nghe đồng cảm, thích thú và chia sẻ, đặc biệt là cụm từ “gian gian díu díu mập mờ” đã lan tỏa nhanh trên mạng, ám chỉ một mối “quan hệ ngoài luồng”, nỗi sợ chạm vào nỗi nhớ vu vơ “vướng víu mơ hồ”. Về sau, cụm từ này biến sang nghĩa khác là gian dối, lọc lừa trong nhiều lãnh vực chứ không chỉ trong tình cảm trai gái.
Hiện tượng phổ biến cụm từ “gian gian díu díu mập mờ” được gọi là meme, một thuật ngữ có nghĩa là “một ý tưởng, hình ảnh, video… lan truyền rất nhanh trên internet” (Cambridge Dictionary).
Trong “gian gian díu díu“ có 2 điệp từ là gian gian và díu díu, gộp chung là gian díu. Từ cuối thế kỷ 19, cách viết gian-díu đã từng xuất hiện trong quyển Chrestomathie annamite contenant 180 textes… của Edmond Nordemann (1898) - tr.18; song bên cạnh đó vẫn có cách viết dan díu trong quyển Dictionarium latino-annamiticum completum… của H.Ravier (1880) - tr.603. Đến đầu thế kỷ 20 trong sách báo tiếng Việt tồn tại cả 2 cách viết: gian díu và dan díu.
Cần lưu ý rằng, dan díu là từ Việt, không có nguồn gốc từ Hán ngữ, đã từng được ghi nhận bằng chữ Nôm là 奸,𠲢(dan) và 𢺤,𢬢 (díu), nghĩa là gắn bó, khăng khít; không có nghĩa là “quan hệ ngoài luồng” như hiện nay. Từ này xuất hiện trong nhiều văn bản chữ Nôm: Bỗng nên dan díu sợi tơ hồng (Ca trù thể cách, 1900); Cũng vì dan díu bỏ kinh tòng quyền (Trinh thử truyện, 1875); Bõ công dan díu đèo bòng bấy lâu (Nguyệt hoa vấn đáp, 1905) hay Càng quen thuộc nết, càng dan díu tình (Kim Vân Kiều tân truyện, 1871)…
Về sau, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (1970) giải thích dan díu là “thân mật nhau, ưa thích nhau, không rời ra được” (quyển thượng, tr.348). Tuy nhiên hiện nay, nhiều từ điển tiếng Việt không ghi nhận từ gian díu, mà chỉ có từ dan díu với nghĩa khác ban đầu: “Có quan hệ yêu đương với nhau, thường là không chính thức. Có vợ rồi còn dan díu với người khác” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB KHXH 1988, tr.260).
Tóm lại, “gian gian díu díu mập mờ” là một “câu cửa miệng” bắt nguồn từ nghệ thuật và văn hóa đại chúng, tương ứng với thuật ngữ catchphrase (tiếng Anh, Hà Lan), réplique culte (Pháp), latiguillo (Tây Ban Nha), tormentone (Ý) hay bordão (Bồ Đào Nha)…
Nhiều người đã sử dụng “gian gian díu díu mập mờ” làm biệt danh, hoặc chêm vào câu nói hay bài viết của mình. Một số người đã cover (hát lại) hoặc lip-sync (nhép môi) ca khúc Ai chung tình được mãi của Đông Thiên Đức. Chẳng biết “gian gian díu díu mập mờ” có tồn tại như những thành ngữ Xưa rồi, Diễm; Bỏ quá đi tám; Thôi rồi, Lượm ơi; Tệ hơn vợ thằng Đậu; Biết rồi, khổ lắm, nói mãi… hay không, thời gian sẽ trả lời.
Bình luận (0)