Lắt léo chữ nghĩa: Hai thành ngữ đồng nghĩa gốc Hán

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
24/02/2024 06:46 GMT+7

Trong tiếng Việt có hai thành ngữ đồng nghĩa là Múa rìu qua mắt thợ và Đánh trống qua cửa nhà sấm. Cả hai đều là thành ngữ phỏng dịch từ Hán ngữ.

Múa rìu qua mắt thợ là "làm hoặc khoe việc mình không thạo trước mặt người rất thành thạo". Đây là cụm từ phỏng dịch từ thành ngữ Ban môn lộng phủ (班門弄斧) của Trung Quốc. Ban (班) là Lỗ Ban (507 TCN - ?), người nước Lỗ, một thợ mộc nổi tiếng thời Xuân Thu; môn (門) là cửa, cổng, lối ra vào; lộng (弄) là chơi đùa, thường đề cập việc làm điều gì đó; phủ (斧) là cái rìu, búa. Ban môn lộng phủ là múa rìu trước cửa Lỗ Ban, phép ẩn dụ nói về một người thể hiện kỹ năng thấp kém của mình trước mặt chuyên gia. Thành ngữ này thường được dùng để nhận xét, phê phán ai đó hoặc tự nói về mình một cách khiêm tốn.

Ban môn lộng phủ có nguồn gốc sớm nhất từ quyển Vương thị bá trọng xướng hòa hồ thi tự của nhà thơ Liễu Tông Nguyên (773 - 819) thời nhà Đường, song nguồn gốc rõ ràng nhất thì xuất phát từ bài Đề Lý Bạch mộ (題李白墓) của Mai Chi Hoán (1575 - 1641) thời nhà Minh, trong đó có câu: Lỗ Ban môn tiền lộng đại phủ (魯班門前弄大斧), tức "Múa rìu trước cửa Lỗ Ban", người đời sau rút gọn thành Ban môn lộng phủ (班門弄斧), ý Mai Chi Hoán phê phán những người đến viếng mộ Lý Bạch rồi làm những bài thơ kém cỏi, thế mà dám trưng bày thơ ấy trong khu vực mộ Lý Bạch.

Trong tiếng Việt, bên cạnh Múa rìu qua mắt thợ, ta còn thấy thành ngữ đồng nghĩa là Đánh trống qua cửa nhà sấm. Câu này được giải thích như sau: "Sấm sét kêu rầm trời, đánh trống qua cửa (hoặc trước cửa) sấm thì tiếng trống dù kêu to đến đâu, cũng bị tiếng sấm át đi không ai nghe thấy. Câu này nghĩa bóng trỏ việc làm liều-lĩnh ngốc dại biết trước không có kết-quả cũng cứ làm" (Tục ngữ lược giải của Lê Văn Hòe, Quốc-học thư-xã, Hà-nội, 1952, tr.43). Song tác giả cho rằng "Câu này dịch ý câu tục ngữ Tàu "Kích cổ lôi môn" (nghĩa là đánh trống ở cửa sấm)". Theo chúng tôi, đây là câu không chuẩn, bởi vì chính xác phải viết là Bố cổ lôi môn (布鼓雷門), trong đó bố (布) là vải; cổ (鼓) là trống, bố cổ là trống bịt bằng vải; lôi (雷) là sấm; môn (門) là cửa, cổng. Tuy nhiên, Lôi Môn ở đây không có nghĩa là "cổng sấm", mà là từ chỉ cổng thành ở Cối Kê thời cổ đại (nay thuộc TP.Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). Điều này đã được học giả Nhan Sư Cổ (581 - 645) đời nhà Đường khẳng định khi chú giải Hán thư: "Lôi Môn, Cối Kê thành môn dã" (雷門,會稽城門也), nghĩa là "Lôi Môn là cổng thành Cối Kê".

Bố cổ lôi môn chỉ là cụm từ rút gọn của người đời sau, xuất phát từ câu gốc "Vô trì bố cổ quá Lôi Môn" (毋持布鼓過雷門), tức "Không cầm trống vải qua Lôi Môn". Đây là câu trích từ Vương Tôn truyện, quyển 76 của bộ sử Hán thư. Tương truyền, ngày xưa ở Lôi Môn có một cái trống, khi đánh, trống phát ra âm thanh rất lớn, ở thành Lạc Dương cách đó rất xa cũng nghe tiếng. Như vậy, việc đem trống vải có tiếng rất nhỏ so với tiếng trống ở Lôi Môn thì đúng là chuyện khôi hài, không biết người biết ta.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.