Lắt léo chữ nghĩa: Lốp, tanh và ta-lông

07/07/2019 06:00 GMT+7

Hai thứ phụ tùng lắp vào vành để giúp xe chạy cho êm, dân Nam dùng nguyên vật liệu sẵn có mà kêu là vỏ ruột, còn người Bắc thì phiên âm từ tiếng Pháp gọi là săm lốp: săm do chambre à air còn lốp thì do enveloppe.

Nhưng có ý kiến lại cho rằng lốp có thể do thương hiệu Dunlop mà ra chứ không phải từ danh từ enveloppe của tiếng Pháp vì người Pháp không dùng enveloppe để chỉ lốp xe (Dunlop là một thương hiệu nổi tiếng trên thế giới về chế tạo lốp xe). Có đúng thế không?
Không đúng. Trước nhất, săm và lốp là một cặp song sinh thì tại sao săm là do chambre à air của tiếng Pháp mà ra còn lốp lại bắt nguồn từ thương hiệu Dunlop của Anh? Thứ đến, cái sai hiển nhiên của ý kiến trên đây là ở chỗ người Pháp vẫn dùng từ enveloppe để chỉ lốp xe, vỏ xe. Đây mới là điểm căn bản.
Cái lốp xe đầu tiên được Robert William Thomson chế ra vào năm 1845 nhưng chuyện đã chìm vào quên lãng. Phải đợi đến năm 1888 thì một bác sĩ thú y người Scotland tên John Boyd Dunlop (1840 - 1921) mới đăng ký tấm bằng sáng chế lốp xe rồi xây dựng xưởng chế tạo lốp vào năm 1889. 3 năm sau (1892) đã thấy danh từ enveloppe của tiếng Pháp cũng dùng để chỉ lốp xe, vỏ xe, như được ghi nhận trong Le Petit Robert (Paris, ấn bản năm 1993): enveloppe d’une chambre à air (vỏ bọc của ruột/săm xe). Một bằng chứng điển hình cho cái nghĩa này là sự hiện diện của danh từ enveloppe trên một tờ quảng cáo lốp xe đạp của Hãng Michelin (ảnh): “ENVELOPPE VÉLO MICHELIN” (Lốp xe đạp Michelin).
Xin nhấn mạnh rằng tuy hiện nay đã được thay thế bằng pneu, dạng tắt của pneumatique, hiện đại hơn, nhưng enveloppe vẫn có thể dùng để chỉ khái niệm “lốp xe”, “vỏ xe”.
Vậy lốp trong săm lốp là một từ Việt gốc Pháp, bắt nguồn ở danh từ enveloppe chứ chẳng có liên quan gì với thương hiệu “Dunlop” cả.
Bây giờ, xin nói về tanh và ta-lông. Tanh, với cái nghĩa “vòng dây thép chịu lực nằm trong mép lốp xe đạp” (Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên) cũng là một từ Việt gốc Pháp bắt nguồn ở từ tringle. Trước 1975 (hoặc 1954), trong Nam không có từ tanh với nghĩa này (mà chỉ có ở miền Bắc); ngược lại, cái mép lốp, mà tiếng Pháp là talon, đã được dân miền Nam phiên thành ta-lông thì không thấy ở miền Bắc. Cái hiện tượng mà miền Bắc gọi là đứt tanh thì trong Nam kêu là banh ta-lông. Sở dĩ có cách gọi đồng nghĩa này là vì cái tanh nằm trong cái ta-lông nên hễ cái tanh mà đứt thì cái ta-lông cũng bung luôn. Khác nhau về cách dùng là ở chỗ đứt tanh không/chưa thấy dùng theo nghĩa bóng còn banh ta-lông thì, ngoài cái nghĩa chuyên môn liên quan đến lốp xe, vỏ xe, còn dùng để diễn cái ý “hư hỏng tan tành”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.