Lắt léo chữ nghĩa: Thăm quan và tham quan, từ nào đúng?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
04/05/2024 07:05 GMT+7

Hiện nay từ thăm quan có mặt mọi lúc mọi nơi, kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Người ta viết thăm quan mà không nghĩ rằng đây là cách viết sai.

Theo chúng tôi, từ thăm quan xuất hiện đầu tiên ở miền Bắc vì trước đây nhiều văn bản hành chính từ miền Bắc gửi vào Nam đã sử dụng từ này, trong khi ở miền Nam vẫn sử dụng từ tham quan.

Tại sao người ta thay từ tham quan bằng thăm quan? Có thể từ 2 lý do sau:

Thứ nhất, vì nghĩ rằng tham quan có nghĩa là "quan tham" như trong thành ngữ "tham quan ô lại" (貪官汙吏) của Trung Quốc - trong đó, tham (貪) có nghĩa là "tham lam, ham, ăn của đút lót"; còn quan (官) là "người có chức vụ, làm việc cho nhà nước thời xưa. Ô (汙) là "nhơ bẩn, không liêm khiết"; còn lại (吏) là viên chức nhà nước. Như vậy, "tham quan ô lại" (貪官汙吏) có nghĩa chung là "quan chức tham ô, tham nhũng". Thành ngữ này đã từng xuất hiện trong quyển Dụ thế minh ngôn (喻世明言, tập 39) thời Minh - Thanh: "Khu trừ giá ta tham quan ô lại, sử uy danh cái thế" (Đuổi bọn quan tham ô này, làm cho chúng mang tiếng khắp nơi).

Có lẽ người ta muốn tránh cách viết nhạy cảm, dễ gây hiểu lầm giống như "tham quan ô lại" nên thay bằng từ thăm quan. Thế rồi nhiều người chấp nhận thăm quan như một từ mới, sử dụng theo phong trào thay cho tham quan.

Thứ hai, vì nghĩ rằng thăm có nghĩa là "đến xem xét tình hình để biết thêm điều mới lạ, còn quan là "cảnh quan". Thăm kết hợp được với quan. Xin thưa, cả hai cách nghĩ này đều sai, bởi vì những chữ "tham" Hán Việt ở đây tuy đồng âm nhưng khác tự trong Hán ngữ.

Tham (貪) có nghĩa là hưởng lấy lợi ích một cách bất chính (ví dụ trong "tham quan ô lại" nêu trên). Chữ này thuộc bộ Bối, khác với chữ tham (參) trong tham quan (參觀), thuộc bộ Khư. Chữ tham (參) bộ Khư có nghĩa là "thăm, xem…"; còn quan (觀) có nghĩa là "xem xét, ngắm nhìn, thưởng thức…".

Xét về từ nguyên, tham quan (參觀) trong Hán ngữ có nghĩa gốc là "đề cập đến việc so sánh và quan sát các tình huống khác nhau" (Hàn Phi Tử. Bị Nội) hoặc là một cách gọi quan chức thời phong kiến (Thường tham quan: các quan thường ngày đến chầu tham chính gọi là "thường tham quan") - chú thích trong Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn (Tạ Quang Phát dịch, Sài Gòn 1972 - 1973, quyển IV, tr.41).

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ định nghĩa tham quan như sau: "xem thấy tận mắt để mở rộng hiểu biết hoặc học tập kinh nghiệm" (Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng 2003). Như vậy đã rõ, tham quan là từ chính xác, còn thăm quan là từ mới, không có trong từ điển, một từ "chế" khó chấp nhận được.

Việc hiện nay nhiều báo đài, văn bản hành chính sử dụng từ thăm quan là chưa đúng, bởi vì thăm là từ "thuần Việt", chữ Nôm viết là 𠶀 (trong "viếng thăm") hoặc 𠽄 (trong "hỏi thăm"); còn quan (觀) là từ Hán Việt.

Xét về ngôn ngữ học, chữ "thuần Việt" kết hợp với chữ Hán Việt là khập khiễng, cần loại bỏ ngay từ thăm quan, vì từ này không thể thay thế cho từ tham quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.