Xin thưa, đây là khái niệm xuất phát từ bài nói chuyện của ông Đinh Đức Hoàng tại lễ khai giảng Đại học Fulbright, tháng 9.2022. Ông Hoàng cho biết đã tạm dịch cụm từ trọc phú kiến thức từ thuật ngữ tiếng Đức Bildungsphilister do Fedredrich Nietzsche đề xuất. Ông giải thích “Trọc phú kiến thức là cách mô tả dành cho những người đọc rất nhiều, báo chí, sách vở, ghi nhớ những kiến thức trong đó và tin rằng chúng là của mình”. Ông phê phán thói học vẹt, cổ súy cho loại kiến thức tự thân.
Thật ra, thuật ngữ Bildungsphilister trong tiếng Đức không có nghĩa đơn giản như vậy. Bildungsphilister là danh từ giống đực, được định nghĩa “là người hay đọc sách báo, tự đánh giá và tưởng tượng mình có văn hóa và học thức song lại thiếu uyên bác, thiếu sự soi chiếu nội tâm. Bildungsphilister là người có xu hướng phản ứng giáo điều, sáo rỗng và thiếu tế nhị đối với các sự kiện và sự việc”.
Xin lưu ý, định nghĩa trên dựa vào quan điểm của triết gia Fedredrich Nietzsche (1844 - 1900), tuy nhiên thuật ngữ Bildungsphilister không phải do Nietzsche nghĩ ra đầu tiên mà đã tồn tại trong văn bản tiếng Đức từ lâu, ít nhất khi Nietzsche còn là trẻ sơ sinh, ví dụ như trong quyển Pamphlets on Goethe, tập 2, xuất bản năm 1846 (“Es ist die Klasse der Bildungsphilister”; “Heute folgt auf den Bildungsphilister des Faust eine noch dumpfere Gestalt”…).
Nietzsche sử dụng thuật ngữ Bildungsphilister không để chỉ trọc phú kiến thức mà nhằm phê phán gay gắt những người có học tự mãn, những người tự nhận mình là mang “văn hóa Đức đích thực” như một “kẻ ngụy văn hóa” kệch cỡm và thảm hại (Die Zeit, ngày 6.11.1987, số 46).
Thuật ngữ Bildungsphilister đã được Nietzsche đưa vào bộ tiểu luận Unzeitgemässe Betrachtungen của ông, gồm 4 tập, viết từ năm 1873 đến 1876. Ngay ở tập đầu tiên David Strauss: Kẻ thú tội và nhà văn (David Strauss: der Bekenner und der Schriftsteller) - 11 phần, 185 trang, Nietzsche đã lên án kịch liệt nhà thần học Khai sáng người Đức David Strauss (1808 - 1874), đặc biệt là phê phán quyển sách cuối cùng của Strauss: Đức tin mới và cũ (Der alte und der neue Glaube, 1872), một quyển mà Nietzsche ví von như là tư tưởng của người Đức thời bấy giờ. Ông phác họa “Đức tin mới” của Strauss như sự diễn giải thô tục về lịch sử để phục vụ cho một loại văn hóa suy đồi. Nietzsche cho rằng Strauss là chủ soái của Bildungsphilister, một phàm phu tục tử của loại văn hóa giả hiệu.
Tóm lại, trọc phú kiến thức có thể mang ý nghĩa nào đó trong tiếng Việt, nếu chấp nhận sự kết hợp giữa hai khái niệm trọc phú và kiến thức, song cụm từ này chưa chuyển tải hết ý nghĩa của thuật ngữ Bildungsphilister trong tiếng Đức. Nietzsche đã sử dụng thuật ngữ này nhằm “đánh” các nhà văn, các học giả và nhà phê bình mà ông cho rằng có triệu chứng và là nguyên nhân của sự suy giảm văn hóa Đức, chứ không đơn thuần nghĩ họ là những trọc phú kiến thức, học vẹt rồi tự mãn với những kiến thức mình có.
Bình luận (0)