Lắt léo chữ nghĩa: “Con đen” Truyện Kiều và “con đỏ” dân gian

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
04/09/2022 07:30 GMT+7

Trong những bản Truyện Kiều (chữ Nôm) mà chúng tôi tham khảo, từ ghép con đen (𡥵顛) xuất hiện trong 2 câu: Mập mờ đánh lận con đen (câu 839) và Mượn màu son phấn đánh lừa con đen (câu 1414).

Nhìn chung, trong từ điển, từ ghép con đen có 2 nhóm giải thích khác nhau:

Nhóm 1: con người

- “Chỉ người dân đen, người khờ dại (liên hệ với con đỏ hay xích tử chỉ người dân nghèo khổ trần trụi) - (Từ điển truyện Kiều, NXB Văn hóa Thông tin, tr.80). Lấy ví dụ từ câu 839 và 1414 trong Truyện Kiều.

- “Tiếng trỏ một lớp, hạng người nào đó” (Tự điển chữ Nôm dẫn giải của GS-TSKH Nguyễn Quang Hồng). Dẫn chứng bằng câu 839 trong Truyện Kiều.

- “Dân thường không có địa vị trong xã hội” (Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (NXB Đà Nẵng 2003, tr.199).

- “Con thường dân” (Từ điển Việt Nam của Thanh Nghị, NXB Thời Thế, 1958, tr.180).

Nhóm 2: con ngươi.

- “Con đen” chính là “con ngươi; tròng đen”. Dẫn chứng bằng câu 1414 trong Truyện Kiều (Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Của).

Chúng tôi cho rằng cách giải thích của nhóm 1 không hợp lý, bởi vì con đen không nhằm nói về “dân đen, người khờ dại, dân thường không có địa vị xã hội”. Chúng tôi nghiêng về cách giải thích của nhóm 2, con đen chính là “con ngươi”, ngụ ý nói rằng khách làng chơi không có cặp mắt tinh đời nên bị gái lầu xanh lừa gạt (đánh lận con đen, đánh lừa con đen).

Trong tiếng Việt, dân đen mới là dân thường, chứ không phải con đen. Dân đen có nguồn gốc từ chữ lê dân (黎民) trong Hán ngữ, đã từng xuất hiện trong Kinh Thư, mục Nghiêu điển: “lê dân ô biến thời ung” (黎民於变时雍). Vào thời cổ đại, (黎) có nghĩa là bình đựng thức ăn hoặc bình táng dùng trong tang lễ, về sau “ có nghĩa là màu đen, đầu người dân cũng màu đen, nên gọi là lê dân (lê, hắc dã, dân thủ giai hắc, cố viết lê dân). Cả hai từ này đều đã đi vào văn chương Việt Nam: Lê dân gặp cảnh lầm than (thơ cổ); Dân đen có biết chi điều gian ngoan (Trê Cóc).

Con đỏ thì đúng là trẻ sơ sinh (da thịt còn đỏ), có nguồn gốc từ chữ xích tử (赤子) trong Hán ngữ. Kinh Thư, mục Khang cáo đã từng ghi nhận từ này: “Nhược bảo xích tử, duy dân kỳ khang nghệ” (保赤子, 惟民其康乂).

Xích tử còn có nghĩa là bách tính, nhân dân. Do đó con đỏ còn nghĩa là dân chúng trong nước, vì theo quan niệm xưa, vua coi dân như con nhỏ, cần chăm sóc: Một phương xích tử triều đình trong tay (Truyện Nhị độ mai). Ngày nay, ở Trung Quốc, xích tử (赤子) còn dùng để chỉ người yêu tổ quốc, trung thành với đất nước hoặc là người trong sáng và tốt bụng.

Tại Việt Nam, khái niệm con đen, con đỏ trong những tục ngữ sau đã biến nghĩa: Con đen đầu thì bỏ, con đỏ đầu thì nuôi hoặc Tham con đỏ, bỏ con đen. Con đen ở đây là con lớn (đầu tóc dài đen), con đỏ là con mới sinh (đỏ đầu). Những câu này nói về người đàn ông phụ bạc vợ cả con chính, yêu thương vợ lẽ con thơ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.