Lầu Năm Góc: nhiều tàu chiến Nga dạt khỏi bờ biển Ukraine sau khi soái hạm chìm

Khánh An
Khánh An
15/04/2022 17:29 GMT+7

Lầu Năm Góc cho rằng 5 tàu chiến của Nga đã dạt khỏi vùng bờ biển Ukraine, trong khi giới chuyên môn cho rằng các tàu di chuyển nhằm tránh bị tấn công như tuần dương hạm Moskva.

Tuần dương hạm Moskva của Nga di chuyển qua eo biển Bosphorus ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7.2021

reuters

Tờ The Washington Post ngày 15.4 đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng có đến 5 chiến hạm của Nga ở phía bắc Biển Đen đã di chuyển về phía nam khỏi khu vực bờ biển Ukraine, sau khi soái hạm Moskva bị thiệt hại nặng và chìm.

Những tàu chiến trên vốn đang ở gần bờ biển Ukraine hơn so với tuần dương hạm Moskva, kỳ hạm của hạm đội Biển Đen bị chìm giữa những thông tin trái chiều về nguyên nhân.

Chưa rõ vì sao những tàu trên di chuyển ra xa bờ biển Ukraine, dù giới chuyên gia quân sự cho rằng Hải quân Nga có thể tránh bị tấn công nữa từ lực lượng phòng thủ bờ biển Ukraine. Phía Nga chưa bình luận về thông tin trên.

Mất kỳ hạm Moskva sẽ ảnh hưởng thế nào đến hải quân Nga?

Bộ Quốc phòng Nga ngày 14.4 thông báo tuần dương hạm Moskva đã chìm do biển động mạnh. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng tàu bị cháy khiến một phần kho đạn bị nổ, khi tàu ở vùng biển cách Odessa của Ukraine 90 km. Thủy thủ tàu được sơ tán thành công và vụ cháy được kiểm soát vào cuối ngày 13.4.

Theo chuyên gia James Black thuộc tổ chức Rand Europe, năng lực của các binh sĩ Ukraine trong việc đe dọa tàu chiến của Nga ở tầm xa có thể khiến Điện Kremlin thận trọng hơn tại vùng biển phía nam Ukraine.

“Điều này có tác động dây chuyền đến khả năng Nga đe dọa các vị trí do Ukraine kiểm soát phía tây Kherson, đáng chú ý nhất là thành phố cảng Odessa, với khả năng đổ bộ hoặc hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng trên bộ của Nga tại các khu vực ven biển”, chuyên gia này nhận định.

Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Nga sẽ phải xem lại việc bố trí quân sự tại Biển Đen sau khi mất chiếc Moskva.

Nga cảnh báo Mỹ về việc viện trợ các hệ thống vũ khí "rất nhạy cảm" cho Ukraine

Trong một diễn biến khác, Nga vừa gửi công hàm ngoại giao đến Mỹ, cảnh báo rằng các lô hàng vũ khí “nhạy cảm nhất” của Mỹ và NATO gửi đến Ukraine đang “thêm dầu” vào xung đột và có thể dẫn đến “những hậu quả không lường trước”.

Động thái ngoại giao trên diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden gia tăng quy mô vũ khí viện trợ cho Ukraine, với gói 800 triệu USD bao gồm lựu pháo 155 mm, máy bay không người lái bảo vệ bờ biển và xe bọc thép, cùng các vũ khí phòng không, chống tăng và hàng triệu viên đạn.

Nga xác nhận phóng tên lửa vào Kyiv, kỳ hạm Moskva chìm ở biển Đen

Mỹ cũng đang xúc tiến việc giao các hệ thống phòng không tầm xa cho Ukraine, trong đó có các hệ thống S-300 từ Slovakia mà lực lượng Ukraine đã được đào tạo sử dụng.

Theo tờ USA Today, trong số những khí tài mà Mỹ đã hỗ trợ Ukraine có 1.400 hệ thống phòng không Stinger, khoảng 5.500 tên lửa Javelin, hơn 7.000 vũ khí nhỏ và 50 triệu viên đạn. Trước đó, Mỹ cam kết viện trợ 2,6 tỉ USD cho Ukraine, chưa bao gồm 800 triệu USD mà Tổng thống Biden vừa công bố hôm 13.4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.