Lấy học sinh làm trung tâm, đừng hô hào suông!

17/07/2015 16:06 GMT+7

Ngành giáo dục của mình rất thường hay dùng câu: “Lấy học sinh làm trung tâm”. Nhưng từ nói khẩu hiệu cho tới thực tế thì còn một khoảng cách khá dài. Ở các trường học của nước ngoài, tuy họ không nghĩ ra được cái khẩu hiệu rất kêu này, nhưng trong mọi cách hành xử, họ thể hiện sự quan tâm đến lợi ích của học sinh một cách rất bản năng và chuyên nghiệp.

Ngành giáo dục của mình rất thường hay dùng câu: “Lấy học sinh làm trung tâm”. Nhưng từ nói khẩu hiệu cho tới thực tế thì còn một khoảng cách khá dài. Ở các trường học của nước ngoài, tuy họ không nghĩ ra được cái khẩu hiệu rất kêu này, nhưng trong mọi cách hành xử, họ thể hiện sự quan tâm đến lợi ích của học sinh một cách rất bản năng và chuyên nghiệp.

Giáo viên Canada với học sinh ở trường quốc tế tại VNGiáo viên Canada với học sinh ở trường quốc tế tại Việt Nam

Phớt lờ bà Đại sứ

Cách đây 5 năm, khi tôi hướng dẫn bà Đại sứ Canada tại Việt Nam tới thăm một trường dạy chương trình Canada tại TP.HCM, sau màn chào hỏi, gặp gỡ lãnh đạo nhà trường ở phòng tiếp tân xong, bà Đại sứ ngỏ ý muốn đi thăm một lớp học để xem giáo viên Canada giảng dạy cũng như để có thể gặp gỡ học sinh đang theo học chương trình giáo dục của nước họ ở Việt Nam ra sao.

Lúc đó, tôi rất ngạc nhiên thấy thầy Hiệu trưởng người Canada tỏ vẻ ngại ngần và không vui, hóa ra thầy giải thích rằng vì đang là giờ học của học sinh nên việc đi thăm lớp như thế sẽ làm gián đoạn, gây ảnh hưởng đến việc học của các em. Cuối cùng, sau khi nghe bà Đại sứ giải thích và "hứa hẹn" sẽ chỉ đứng xem, không tiếp xúc trực tiếp hay hỏi han gì học sinh cũng như giáo viên, thầy hiệu trưởng mới chấp thuận cho bà đi thăm một lớp học.

Khi chúng tôi đến lớp Hai của giáo viên Jeremy, ông thầy này thậm chí còn đang ngồi trên bàn của mình (không phải trên ghế), say sưa kể chuyện cho học sinh. Thấy bà Đại sứ và đoàn tháp tùng đẩy cửa bước vào đột ngột, ông thầy chỉ hơi nhíu mày gật đầu chào và vẫn tiếp tục kể chuyện. Thầy hiệu trưởng vội bước đến ghé tai thầy giáo chắc để giới thiệu, khi ấy ông thầy mới tạm dừng và yêu cầu các học sinh của mình chào khách. Chỉ để các em chào thôi chứ tuyệt nhiên không giới thiệu gì thêm về khách. Sau đó, thầy và trò lại tiếp tục tập trung vào bài học, không hề bận tâm đến các vị khách xung quanh.

Điều làm tôi ấn tượng là bà Đại sứ lại cũng tỏ ra rất bình thản và vui vẻ. Thậm chí khi rời khỏi, bà luôn miệng xin lỗi đã làm phiền lớp học và cảm ơn thầy, trò đã cho phép bà vào thăm lớp. Sau này, gặp lại thầy Jeremy, tôi hỏi ông có biết đó là bà Đại sứ đến thăm không, ông trả lời là có biết, sau khi nghe thầy hiệu trưởng giới thiệu nhanh lúc đó. Nhưng ông giải thích thêm, đại ý: Tôi không thể cắt bớt giờ học của học sinh để dành thời gian đón tiếp và giới thiệu về cá nhân một ai đó mà chưa hề được báo trước trong lịch để sắp xếp thời gian. Các học sinh sẽ có thể gặp gỡ, tìm hiểu thêm về bà Đại sứ khi nào các em thấy cần thiết và có cơ hội thuận lợi hơn. Mỗi một phút trên lớp là quyền lợi của học sinh và chúng tôi phải bảo đảm không ai được xâm phạm quyền lợi này của các em!

Ở Việt Nam mình, liệu giáo viên và học sinh có được phép hành xử như thế khi có các VIP đến thăm vào đúng giờ học kiểu vậy không nhỉ ? Chắc chắn là không bao giờ! Thậm chí, trước khi một quan chức cao cấp nào đó đến thăm trường, từ Ban Giám hiệu đến giáo viên, học sinh đều phải tập trung hết cho việc chuẩn bị đón tiếp, kể cả học sinh có thể phải nghỉ học để tập dượt cho các tiết mục biểu diễn hoặc lên phát biểu cảm tưởng hoặc đứng ngoài nắng cầm cờ hoa chờ chào đón. Đó là những chuyện rất thường thấy trong sinh hoạt ở các trường của ta.

Cô hiệu trưởng đứng lùi về phía sau khi giới thiệu về thành tích 1 em học sinh trong lễ tổng kết.Cô hiệu trưởng đứng lùi về phía sau khi giới thiệu về thành tích 1 em học sinh trong lễ tổng kết

Ghế đầu dành cho học sinh

Trong lễ tốt nghiệp ở các trường của Canada mà tôi được dự, bao giờ học sinh tốt nghiệp – nhân vật chính trong buổi lễ - cũng được đưa đến ngồi ở những hàng ghế đầu tiên. Toàn bộ khách mời, kể cả khách VIP chỉ được ngồi từ các hàng ghế còn trống sau lưng các em trở đi.

Kết thúc buổi lễ, các học sinh tốt nghiệp được mọi người rẽ ra để cho đi ra trước tiên, sau đó mới tới hiệu trưởng rồi khách VIP và các giáo viên, các bậc cha mẹ, như là những người tháp tùng tiễn các em trong tiếng nhạc cùng tiếng vỗ tay chúc mừng. Thật sự, lần nào chứng kiến và được tham dự nghi lễ này, sâu thẳm trong tôi luôn nhói lên một ước ao rằng một ngày nào đó có thể thấy được sự trân trọng đối với học sinh như thế này ở bất kỳ đâu trên đất nước mình. Vứt bỏ hết đi mọi lễ nghi và diễn văn hay khẩu hiệu - những thứ chỉ phục vụ cho nhu cầu thỏa mãn đánh bóng của người lớn và làm tội con trẻ. Hãy trả lại cho các em giá trị đích thực của thông điệp "coi học sinh làm trung tâm" bằng những hành động cụ thể mà đôi khi không cần phải có nhiều tiền và cũng chẳng cần phải có thời gian.

Như những người thầy ngoại quốc này đã làm được một cách rất tự nhiên và dung dị cho các học sinh may mắn của mình, với một tâm thế đơn giản: Đã làm thầy, chỉ có học sinh là quan trọng nhất!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.