Lay lắt trong lều tạm

Mạnh Cường
Mạnh Cường
19/06/2021 08:30 GMT+7

Hơn nửa năm sau thảm họa thiên tai, cả trăm hộ dân ở vùng sạt lở H.Phước Sơn (Quảng Nam) vẫn phải sống cảnh chen chúc trong những căn lều tạm nằm rải rác khắp thung sâu núi rừng.

Hơn nửa năm sau thảm họa thiên tai, cả trăm hộ dân ở vùng sạt lở H.Phước Sơn vẫn chưa có mặt bằng bố trí tái định cư. Họ phải sống cảnh chen chúc trong những căn lều tạm nằm rải rác khắp thung sâu núi rừng. Mùa mưa lại cận kề...

Ba thế hệ sống chen chúc

Giữa tháng 5, các vết xước khổng lồ trên từng mảng núi vẫn còn hiện hữu trên mọi nẻo đường dẫn đến “vùng thiên tai” ở Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc (H.Phước Sơn). Đấy là dấu tích của trận sạt lở, lũ quét cuối tháng 10.2020. Và có một dấu tích khác, buồn hơn: Những căn lều tạm dựng lưng chừng sườn núi. Nơi đó, những hộ dân sau khi tìm nơi tạm an toàn một chút, nhặt nhạnh những gì còn lại sau lũ dữ rồi đóng cọc, căng bạt làm nơi trú ngụ. Họ chờ một nơi bằng phẳng rộng rãi hơn để dựng lại nhà…
Sau ngày dòng Nước Mét hiền hòa ngày thường bỗng hóa thành cơn lũ lịch sử trong bão số 9 và cuốn trôi hoàn toàn 36 ngôi nhà ở Phước Thành, hơn 150 nhân khẩu vẫn đang sống lay lắt như thế. Ngồi bệt xuống đất trước đây vốn là nền nhà cũ, già Hồ Văn Đớ (thôn 1, xã Phước Thành) hướng mắt theo dõi chiếc máy múc đang san ủi tảng đá lớn làm khu tái định cư mới. “Các chú ấy làm lâu quá! Bố thấy làm cả năm nay rồi mà vẫn chưa xong”, giọng già Đớ đượm buồn.
Khu đất đang san ủi từng là nơi ở của nhiều hộ dân. Nhưng sau đợt mưa lũ năm ngoái, nhiều nhà dân gần con sông Nước Mét bị cuốn trôi do trận lũ dữ. Địa phương vận động già Đớ cùng nhiều hộ khác dỡ nhà, nhường đất để mở rộng khu tái định cư, làm nơi ở rộng rãi an toàn hơn, cũng là nơi cư ngụ mới của những hộ đã mất nhà. “Dỡ nhà xong, gia đình bố phải chen chúc trong căn lều tạm quá chật chội. Cuộc sống đã khó, nay càng khó hơn”, già Đớ nhìn về phía căn lều che bằng tấm bạt xanh ở góc núi. Trong căn lều tạm đó, cả gia đình 3 thế hệ với 8 nhân khẩu của già Đớ đang náu mình.
Với người dân 2 xã Phước Thành, Phước Lộc, nhà làng trở thành nơi trú tạm của rất nhiều hộ dân sau lũ. Số khác chia nhau đến ở nhà bà con trong thôn. Nhưng đa phần thì chịu khó nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau đống đổ nát và dựng lều. “Mấy ngày đầu sau lũ, bà con đùm bọc nhau, nhà nào may mắn lũ không tràn tới thì giúp nhà khác. Rồi nhà nước cũng hỗ trợ, nhiều đoàn từ thiện vào cho gạo, thức ăn, quần áo, chăn màn. Bà con giờ không lo đói nữa, chỉ mong có nơi ở mới để dựng nhà kiên cố. Chứ sống trong lều tạm hơn nửa năm nay, vất vả lắm!”, ông Hồ Văn Bai (ở thôn 1) buồn bã nói. Gia đình ông có 6 người đang chen chúc trong lều tạm rộng chưa đầy 2 m2.

Căn lều che chắn bởi những tấm bạt

Chờ đến bao giờ ?

Trưởng thôn 1 Hồ Văn Hồi đã “tranh thủ” than khổ khi có đoàn công tác của H.Phước Sơn lên kiểm tra tiến độ san ủi mặt bằng. “Nhà ở tạm thấp lè tè, mùa nắng thì nóng như đổ lửa, gặp những đêm mưa to và giông gió thì mái tôn bị giật ầm ầm. Người lớn lẫn trẻ nhỏ đều không thể ngủ được. Những nhà nào che bạt thì hễ mưa là dột, ướt sũng cả”, ông Hồi kể lể.
Theo ông Hồi, người dân đã nhiều tháng nhường đất tạo điều kiện san ủi mặt bằng nhưng không hiểu lý do gì mãi đến nay vẫn chưa xong. Mà sống trong lều tạm thì cực khổ trăm bề, đến chỗ đi vệ sinh cũng không có, nước sinh hoạt càng không. “Nếu không kịp bàn giao mặt bằng thì giữa tháng 7 và tháng 8 là đến mùa mưa rồi, bà con không thể làm nhà được. Mà nếu ở trong lều tạm lưng chừng núi như hiện nay thì rất nguy hiểm. Trận sạt lở, lũ quét hồi cuối năm 2020 đã là một bài học nhãn tiền”, ông lo lắng.
Lay lắt trong lều tạm

Những đứa trẻ phải chịu cảnh sống thiếu thốn trong lều tạm

Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, nhìn nhận việc triển khai mặt bằng chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. “Địa phương mong huyện, tỉnh tạo điều kiện để 36 hộ dân có nhà trôi hoàn toàn và 23 hộ dân thiệt hại từ 50 - 70% sớm có mặt bằng ổn định để dựng nhà. Có nhà cửa thì mới ổn định cuộc sống lâu dài sản xuất. Dù người dân sống trong lều tạm nhưng chúng tôi không bao giờ để họ phải đói. Cái khó bây giờ vẫn là mặt bằng. Địa phương đã kiến nghị nhiều lần”, ông Phức chia sẻ.
Tại thôn 3, xã Phước Lộc, trước đây bà con nuôi ong lấy mật, sống khỏe với rừng. Cộng thêm nguồn thu từ rẫy quế và các loại nông sản, họ có thể không lo về cái ăn cái mặc. Nhưng sau trận lũ quét khủng khiếp, họ trắng tay. Làng ong Bộng bị xóa sổ khỏi bản đồ, 11 người bị vùi lấp, 4 người vẫn đang mất tích.
“Ở đây chẳng còn gì ngoài đống đổ nát. Nhà cửa mất, hư hỏng nặng chỉ còn mấy hộ đang bám trụ lại, bởi nếu có đi nơi khác thì cũng không có chỗ. Trong khi khu tái định cư không biết bao giờ mới bố trí được. Bà con rất lo mai này không biết sẽ sống như thế nào”, ông Hồ Văn Hà (thôn 3, xã Phước Lộc), người thất lạc bầy ong sau bão số 9, trầm ngâm. Từ ngày xảy ra thảm nạn, một số hộ bỏ đi, một số xin ở ghép vào thôn khác… Chỉ còn lại 5 hộ vẫn đang bám trụ, chờ ngày được bố trí nhà ở khu tái định cư. Dãy nhà tạm vẫn thốc lên theo từng cơn gió núi luồn về…
Lay lắt trong lều tạm

Mùa mưa đã cận kề, người dân sống trong lều tạm lưng chừng núi càng đối diện nguy hiểm

Chủ tịch UBND xã Phước Lộc Lưu Huyền Thoại đang lo địa hình đồi núi hiểm trở, khu vực bị bồi lấp khá nặng nên công tác khắc phục còn phải mất nhiều thời gian. Tại khu vực sạt lở ở thôn 3, địa phương sẽ bố trí mặt bằng khoảng 30 lô, nhưng dự kiến đến tháng 7 mới hoàn thành bàn giao. Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND H.Phước Sơn, cho biết địa phương đang thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư để di dời các hộ dân vùng sạt lở, trôi nhà, ở trong vùng nguy cơ sạt lở vào ở. Đối với khu tái định cư thôn 1, xã Phước Thành, chính quyền huyện đã làm việc với nhà thầu, đơn vị thi công và yêu cầu tập trung nhân lực, thiết bị hoàn thành công trình này trong vòng 10 - 15 ngày tới.
“Nếu nhà thầu không thực hiện đúng mức cam kết thì sẽ xem xét việc cho tham gia đấu thầu các công trình khác trên địa bàn huyện. Riêng các khu tái định cư khác thì chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn lựa chọn đấu thầu đơn vị thi công”, ông Trung nói.
Khi còn phải chờ doanh nghiệp bàn giao mặt bằng, chờ địa phương đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công, cả trăm hộ dân vùng sạt lở Phước Sơn vẫn đang sống tạm trong lều. Từ giữa tháng 5, mưa chiều ở vùng cao Phước Sơn đã bắt đầu nặng hạt. Mùa mưa lũ lại ám ảnh…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.