Còn những người đã thầm lặng “đẩy” chuyến tàu hơn chục toa lăn bánh suốt chặng đường cả ngàn cây số, cũng kịp thở phào.
Sáng 26.7, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức 1 buổi lễ tiễn đầy xúc động cho đoàn công tác đặc biệt do do ông Lê Nguyên Hồng (Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Trị) dẫn đầu, nhiệm vụ của họ là vào Nam, đón gần 400 người dân Quảng Trị về quê tại ga Sài Gòn. Sau bó hoa, những cái bắt tay thật chặt… chiếc xe lăn bánh, chở theo 17 cán bộ của tỉnh Quảng Trị vào TP.HCM.
Nghe trưởng đoàn kể chuyện
Theo kế hoạch, đoàn tàu SE74 sẽ xuất phát tại ga Sài Gòn vào 15 giờ ngày 28.7, nghĩa là đoàn công tác chỉ có hơn 2 ngày để di chuyển, sắp xếp tất tần tật mọi thứ cho vẹn toàn. Bao nhiêu dấu hỏi đầy lo lắng “nổi lên” trong tâm trí của những “người vận chuyển”. Thế nhưng chuyến xe chở đoàn vẫn lao đi, cốt sao để đến đích là ga Sài Gòn thật nhanh.
|
Mùa dịch, nhà hàng khách sạn ven đường đóng cửa hết nên xe chạy xuyên ngày đêm, chỉ dừng lại ven đường để anh em lấy lương thực mang theo, ăn uống "qua quýt" và đi vệ sinh. “Mà giả sử nhà hàng, khách sạn mở cửa chúng tôi cũng không dám vào, việc đón dân chưa đâu vào đâu, bụng dạ đâu mà ăn uống, ngủ nghỉ”, trưởng đoàn, ông Lê Nguyên Hồng nói.
Đúng 14 giờ 30 ngày 29.7, đoàn tàu SE74 về tới ga Đông Hà. Khó có thể tả hết niềm vui sướng của những người dân quê Quảng Trị đã về được quê hương, sau khi vượt qua 1 chặng đường rất dài và đầy khó khăn.
Nhưng để có một kết thúc tốt đẹp như vậy là một câu chuyện rất dài từ khâu chuẩn bị, bàn bạc, sắp xếp, thậm chí giải quyết những tình huống khẩn và nóng bỏng của Đoàn công tác đặc biệt.
Biết sẽ có nhiều chuyện hay để nghe, người viết đã liên hệ với ông Lê Nguyên Hồng từ trước nhưng cuộc gặp ở ngay sân ga Đông Hà đã không được diễn ra vì quy định phòng dịch. Lúc bước xuống tàu, ông Hồng cùng toàn bộ đoàn công tác đều thực hiện cách ly tập trung. Tuy nhiên, qua điện thoại, vị trưởng đoàn này cũng đã kịp kể lại không ít pha toát mồ hôi hột.
|
Trục trặc đầu tiên vào ngày 27.7, khi đoàn Quảng Trị vào làm việc với ga Sài Gòn thì cũng hay tin tỉnh Hà Tĩnh và Thừa Thiên - Huế đã phát hiện 3 trường hợp dương tính Covid-19 sau khi được đưa về từ TP.HCM bằng đường sắt. Vì vậy, để đảm bảo ga Sài Gòn không bị phong toả, nhà ga không đồng ý phương án test nhanh kháng nguyên cho công dân Quảng Trị tại nhà ga như kế hoạch ban đầu.
Vì thế, nhà ga yêu cầu công dân chủ động đến các cơ sở gần nơi lưu trú để thực hiện thủ tục test nhanh kháng nguyên, kể cả trẻ em đi cùng. Theo ông Hồng, từ trưa đến tối 27.7, anh em trong đoàn công tác đã chia nhau ra điện thoại cho từng người dân có trong danh sách về đợt này để thực hiện đúng quy định.
Trục trặc thứ hai là dù ban đầu Quảng Trị hợp đồng với phía ngành đường sắt đặt 1 đoàn tàu gồm 10 toa giường nằm chở người (42 giường mỗi toa) và 1 toa ghế ngồi (63 ghế), tuy nhiên đến cuộc làm việc lúc 10 giờ 28.7 (5 tiếng trước giờ xuất phát), phía ngành đường sắt yêu cầu phải ngồi giãn cách theo quy định, mỗi toa chỉ chứa 50% số giường hoặc ghế.
Vì thế, đoàn tàu phải đổi chỉ còn 2 toa giường nằm, còn lại là toa ghế ngồi. Theo ông Hồng, trước tình huống này, đoàn công tác vẫn cho tất cả 384 người dân lên các toa ghế ngồi, sau khi tàu chạy thì mới bắt đầu rà soát, những người nào là phụ nữ mang thai, người già yếu, trẻ sơ sinh sẽ được chuyển lên 2 toa giường nằm để đảm bảo sức khỏe.
“Phải đến khi tàu dừng bánh tại ga Đông Hà, chúng tôi mới thở hắt ra”, ông Hồng nói.
|
Giải cứu Nhỏ Lệ
Trong số 384 người dân Quảng Trị xuống ga chiều 29.7, có một nhân vật rất đặc biệt, đó là em Trương Thị Nhỏ Lệ, sinh viên của Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Nhỏ Lệ quê ở xã Triệu Trạch (H.Triệu Phong, Quảng Trị), từ nhỏ đã mắc dị tật bẩm sinh và bệnh tim, sức khỏe yếu, đã 21 tuổi nhưng cân nặng chỉ tròm trèm 20 kg. Với vóc dáng đó, lúc bình thường, em quá bé nhỏ giữa Sài Gòn rộng lớn, còn khi dịch bệnh hoành hành, việc tự kiếm cho mình 1 chỗ trên chuyến tàu trở lại quê nhà, e khó khăn vô cùng… Chưa nói, em cũng đang rất mệt vì không có thuốc để sử dụng.
Cuộc “giải cứu” Nhỏ Lệ bắt nguồn từ những dòng trạng thái đăng trên tài khoản mạng xã hội của một nhà báo ở Quảng Trị về tình cảnh của em (Nhỏ Lệ từng là nhân vật trong bài viết của anh hồi năm 2019, và chính anh cũng góp sức “tiếp lửa” cho Nhỏ Lệ trên hành trình ngược xuôi học tập ở TP.HCM).
Sau khi thông tin được lan tỏa, đã đến được với lãnh đạo đoàn công tác của tỉnh Quảng Trị đang vào Nam đón người. “Trường hợp của Nhỏ Lệ là đầu tiên và duy nhất mà chúng tôi đã thống nhất linh động xử lý mà không làm theo đúng phép tắc thông thường. Vì khi nghe qua hoàn cảnh của em, chúng tôi ai cũng muốn “giải cứu” em về quê, dù biết là rất khó khăn vì Nhỏ Lệ lúc đó đang ở TX.Dĩ An, Bình Dương”, thượng tá Lê Mạnh Hùng, Phó phòng CSGT (Công an tỉnh Quảng Trị), Phó trưởng đoàn công tác, kể lại.
|
Hành trình của Nhỏ Lệ từ Bình Dương lên ga Sài Gòn là không hề đơn giản, nhưng bằng những mối quan hệ quen biết từ chính quyền sở tại và bạn bè, đoàn công tác của Quảng Trị đã nhờ một chiếc xe chở cô bé yếu ớt đến ga Sài Gòn đúng hẹn. May mắn nữa, Nhỏ Lệ cũng đã kịp xét nghiệm Covid-19 và có kết quả âm tính.
“Thấy Nhỏ Lệ bé nhỏ quá, anh em trong đoàn ai cũng thương nên cắt cử ngay 1 thanh niên để hỗ trợ cô bé lên xuống tàu, xách va ly, đồ đạc... Đến khi tàu xuống ga Đông Hà, vẫn có người hỗ trợ em lên tận xe khách để đưa đi cách ly tập trung cho trọn nghĩa tình”, thượng tá Hùng kể.
Những “đôi mắt cười”
Từ khi dịch giã bùng phát, người ta trở thành “vô diện” khi ai cũng khẩu trang kín mít. Riêng với những người trên hành trình của đoàn tàu SE74, cả cán bộ lẫn người dân, thậm chí còn kín hơn, khi ngoài khẩu trang còn mặc đồ bảo hộ, đeo kính chống giọt bắn. Thứ duy nhất họ còn nhìn được ở người khác chính là “cửa sổ tâm hồn”, đôi mắt!
|
Nhưng trên hành trình hồi hương đầy căng thẳng ấy, lạ thay, có rất nhiều “đôi mắt biết cười”. “Quá trình sắp xếp, làm việc, di chuyển cho hàng trăm con người trên một chuyến tàu nhiều khi rất áp lực, mệt mỏi. Những “đôi mắt biết cười” của bà con chính là những liều “doping” cho 17 anh em chúng tôi mạnh mẽ lên”, anh Nguyễn Trường An, cán bộ Sở LĐ-TB-XH Quảng Trị, thành viên đoàn công tác, nói.
Và cả khi tàu xuống ga Đông Hà, cũng chính những “đôi mắt biết cười” ấy là cách người dân nhìn về phía đoàn công tác, như một lời cảm ơn.
Khi tôi viết những dòng này, Quảng Trị cũng có phương án để đưa người về đợt 2 vào ngày 11.8, vẫn sử dụng tàu hỏa, nhưng được dừng đón ở 3 ga: Sài Gòn, Dĩ An (Bình Dương) và Long Khánh (Đồng Nai). Dự kiến lần này số lượng người về là từ 400 - 420 người. Và sẽ có chừng ấy “đôi mắt biết cười” đã sẵn sàng...
|
Bình luận (0)