Lấy sự hài lòng của người bệnh

16/12/2017 06:57 GMT+7

Hôm qua 15.12, Bộ Y tế cho biết, lần đầu tiên chiến dịch đánh giá sự hài lòng của người bệnh đối với các bệnh viện công lập trên toàn quốc sẽ được triển khai từ 18.12 và hoàn thành trước 10.1.2018.

 Sẽ có 169 bệnh viện tuyến tỉnh và T.Ư được đo lường về sự hài lòng của người bệnh về các tiêu chí: phong cách thái độ phục vụ, minh bạch thông tin về giá dịch vụ; hiệu quả cải cách hành chính rút ngắn thời gian chờ đợi khi khám bệnh...
Vấn đề đổi mới hướng đến sự hài lòng của người bệnh đã bắt đầu được ngành y chú trọng trong 2 - 3 năm gần đây, với tiêu chí lấy người bệnh làm trung tâm. Phần nào nhờ đó mà chất lượng dịch vụ cải thiện, như việc bệnh nhân giảm nằm ghép, không phải nằm gầm giường; thời gian chờ khám bệnh đã giảm trung bình 30 - 50 phút.
Tuy nhiên, thực tế thì vẫn chưa được như người bệnh mong đợi. Chẳng hạn câu chuyện bà Minh Hạnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế), chia sẻ vẫn còn tình trạng khám đúng quy trình, nhưng đó là quy trình “vô cảm”: điều dưỡng đo huyết áp, bác sĩ xem kết quả xét nghiệm và mở máy tính ra kê đơn, bệnh nhân nhận đơn rồi lặng lẽ đi lãnh thuốc, không một lời trao đổi, tư vấn, không một câu hỏi han.
Có thể phần nào lý giải quy trình “vô cảm” là do bác sĩ quá tải. Mỗi người phải gánh 100 - 200 bệnh nhân/bàn khám/buổi sáng, tuy nhiên, điều đó hoàn toàn có thể được hóa giải bằng cách tận dụng thời gian lúc kê đơn để trao đổi với người bệnh nhằm hiểu hơn, chia sẻ hơn với bệnh nhân.
Nếu đến bệnh viện (BV) công thời điểm này, hầu như không còn tình trạng điều dưỡng quát nạt hay tiêm chọc đau để người bệnh phải đưa phí ngầm “làm luật”, nhưng “lệ” phong bì thì vẫn chưa thể dọn dẹp sạch sẽ. “Sinh thường phong bì 500.000, đẻ mổ 1 triệu đồng, ai cũng như vậy”, đó là thực tế người chăm bệnh phản ánh đến Bộ Y tế. Đúng là phong bì đó không phải do bác sĩ vòi vĩnh nhưng nó đã thành tiền lệ và người bệnh mặc nhiên chấp nhận, có khi miễn cưỡng. Đó là thực tế mà ngành y tế và người đứng đầu các BV cần làm sạch.
Việc này hoàn toàn có thể làm được nếu người đứng đầu các BV thật tâm muốn làm, bởi theo các khảo sát mới nhất do Bộ Y tế thực hiện, thì các BV ở các tỉnh phía nam không còn nạn phong bì một cách miễn cưỡng như đã nêu nữa.
BV có chất lượng chuyên môn tốt, thái độ thân thiện, đúng mực thì người dân mới tin cậy tìm đến, vì họ ngày càng có quyền lựa chọn dịch vụ, đặc biệt khi ngành y tế và BHXH đang thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT. Do đó, không còn cách nào khác ngoài việc BV phải lấy sự hài lòng của người bệnh cả về chất lượng cũng như tinh thần phục vụ để khẳng định sự tồn tại, phát triển của đơn vị mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.