Theo sử sách ghi lại, ông Đỗ Công Tường (thường gọi ông Lãnh) là người từ miền Trung, đến xã Mỹ Trà, tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp) lập nghiệp trong khoảng đầu đời Gia Long. Gia đình ông có khu vườn quýt mát mẻ, thuận lợi giao thương đường thủy và đường bộ nên người dân đến mua, bán đông đúc dần thành chợ (sau này gọi là chợ Cao Lãnh).
Năm Canh Thìn (1820), bệnh dịch tả hoành hành khiến dân địa phương chết rất nhiều. Ông bà Đỗ Công Tường đặt bàn hương án trước sân chợ, khấn nguyện xin chết thay cho dân để cầu bệnh dịch chấm dứt. Tới 3 ngày sau (nhằm mùng 9.6 âm lịch) thì bà lâm bệnh mất, đến mùng 10.6 âm lịch ông cũng mất theo. Tương truyền, sau khi chôn cất ông bà ở phía sau khu chợ xong thì dịch tả chấm dứt. Để tưởng nhớ sự hy sinh cao quý của ông bà, người dân lập miếu thờ phụng, lấy ngày 9.6 và 10.6 âm lịch làm lễ giỗ hằng năm.
Lễ giỗ lần thứ 200 ông bà Đỗ Công Tường được tổ chức từ ngày 28 - 30.7 (nhằm mùng 8 - 10.6 âm lịch). Bên cạnh các hoạt động tri ân ông bà, địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao...
Bình luận (0)