"Những người tự xưng là nhà phê bình trên mạng chỉ nên nhận là reviewer"
Sau cuộc trò chuyện mang nội dung "làm việc nhà" đầy thú vị của nhà sản xuất phim Charlie Nguyễn tại chương trình Chuyện thứ VI tuần trước, nhà báo, nhà phê bình Lê Hồng Lâm lên tiếng trước câu chuyện những nhà phê bình tự xưng trên mạng xã hội trong thời gian gần đây.
Hiện tại, nhà báo Lê Hồng Lâm không làm việc toàn thời gian tại một cơ quan truyền thông nào, nhưng anh nhận thấy bản thân tự tin nhất với vai trò nhà báo. Theo anh, vai trò nhà phê bình được đặt bởi nhiều người, họ gọi nhiều thành quen. "Mình nghĩ nhà phê bình có hai loại, một là phê bình báo chí và phê bình về hàn lâm. Phê bình báo chí là những gì nhanh, trực tiếp, ngắn gọn hơn phê bình hàn lâm, phê bình về học thuật đòi hỏi những kiến thức chuyên môn rất sâu", anh nói.
"Một nhà phê bình sẽ có cái nhìn chuyên sâu hơn, họ đưa ra những góc nhìn có tính chuyên môn, khách quan hoặc có tác động một mặt nào đó về bộ phim hay xu hướng của phim ảnh, nhận định về đạo diễn thì mới gọi là nhà phê bình", Lê Hồng Lâm cho biết thêm.
Theo nhà sản xuất phim sinh năm 1977, ở Việt Nam dạng phi học thuật chưa được đầu tư phát triển, trong khi phê bình báo chí mạnh. Bên cạnh đó, trước sự xuất hiện của nhiều nhà phê bình phim ảnh, các sản phẩm giải trí "tự xưng" trên mạng xã hội, anh bày tỏ quan điểm: "Sự đa dạng lúc nào cũng tốt và thực sự sự đa dạng này sẽ đi vào những điều thuộc về tinh hoa, những điều được chọn lọc. Nghiên cứu phải có những công trình nghiên cứu, có quá trình làm nghề lâu năm. Còn những người đi xem một bộ phim về sau đó viết một cái review trên facebook, trên báo chí thôi thì mình nghĩ gọi họ là reviewer sẽ đúng hơn. Mình cũng nghĩ nếu việc phê bình đúng, được nhiều người biết đến thì đó là điều tốt, làm cho môi trường giải trí, môi trường phim ảnh Việt Nam tốt hơn".
Tại chương trình, Lê Hồng Lâm cũng tiết lộ với host Nguyễn Khắc Ngân Vi và khán giả điều tối kỵ của một nhà phê bình. "Điều tối kỵ của một nhà phê bình là những dạng phê bình đi vào bè phái, đây cũng là một điều phổ biến ở Việt Nam". Đồng thời, nam nhà báo cho biết chỉ đứng ở vị trí quan sát thay vì tham gia trực tiếp vào những cuộc chiến bình luận trên mạng xã hội với các nhà phê bình khác.
"Rất nhiều phụ nữ bắt nạt tình dục phụ nữ khác"
60 phút trò chuyện, host Ngân Vi cũng chia sẻ những câu chuyện của bản thân, góc nhìn của cô xoay quanh vấn đề về giới. Cụ thể, nữ nhà văn cho biết cô vừa trở lại với facebook một thời gian và có giai đoạn cô nhận thấy một chuyện bắt nạt tình dục phụ nữ xuất hiện, nổi lên khắp mạng xã hội. Theo cô, những câu chuyện này đã trở thành một chu kỳ.
Nhà phê bình Lê Hồng Lâm: ‘Rất nhiều phụ nữ bắt nạt tình dục phụ nữ khác’ | Podcast CHUYỆN THỨ VI
Trao đổi tại Chuyện thứ VI cùng Lê Hồng Lâm, dưới góc độ nhà phê bình, anh nhận định không chỉ có đàn ông, một nhóm phụ nữ cũng lấy tình dục như là vũ khí để tấn công một người phụ nữ khác. "Từ xưa đến nay, nghệ thuật văn chương luôn ca ngợi tình dục và vẻ đẹp của người phụ nữ, thế nhưng đến giờ trong xã hội lại có những người mang tình dục ra để vũ nhục phụ nữ. Đây có thể là những hệ quả của văn hóa xã hội, hệ quả của tư tưởng nam trị, của bản thân văn hóa người tiếp nhận", nhà sản xuất phim sinh năm 1977 cho biết.
Ở trong xã hội, nhiều người có quan điểm việc một cô gái bị hãm hiếp là do cô ăn mặc hở hang hoặc tỏ ý đồ với đối phương trước,… có vô số lý do để họ tấn công một nạn nhân và trong số đó có không ít là phụ nữ. Nói về vấn đề này, nhà báo Lâm cho biết anh khó có thể lý giải được, chuyện này vẫn tồn tại trong xã hội Việt Nam, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội.
"Tại cuộc trò chuyện này, Lâm chỉ đưa ra một góc nhìn, một vấn đề diễn ra trong hiện thực xã hội. Sự việc trên có nhiều nguyên nhân sâu xa và trong đó một phần là từ những sản phẩm văn hóa như điện ảnh, phim ảnh, âm nhạc. Ví dụ trong một cái video, cô gái lỡ thể hiện điệu nhảy sexy quá cũng sẽ bị bắt nạt tình dục. Đó là sự tương tác qua lại lẫn nhau, từ hiện thực đời sống qua những sản phẩm văn hóa nhưng từ những sản phẩm văn hóa đó cũng quay ngược trở lại, nó khó để giải quyết, vẫn tồn tại trong đời sống xã hội, đời sống văn hóa nghệ thuật từ thế giới cho đến Việt Nam", nhà phê bình nói.
Cũng theo anh, vấn đề này tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa thực sự đạt được một kết quả tích cực. "Nhưng qua những cuộc cách mạng như vậy dần cũng sẽ có những cái thay đổi tích cực, tiến bộ hơn, ít nhất là tạo nên một quy chuẩn của xã hội để không tái diễn ở mức độ hiển nhiên".
Nhà phê bình quê Quảng Trị nhận định, đến hiện tại, nhiều phụ nữ đã lên tiếng, tố cáo kẻ bạo hành, lạm dụng tình dục mình. Theo anh, họ đều có vai trò tích cực khi không biến mình thành nạn nhân, không để mình bị mang ra hạ nhục. Bên cạnh đó, anh cũng đưa ra những ví dụ cụ thể và cho rằng: "Mặc dù khó để xóa sạch tuyệt đối trong xã hội hay trong đời sống văn hóa nghệ thuật nhưng ít nhất việc lên tiếng, đấu tranh đã làm sự cân bằng được thiết lập và hình ảnh của phụ nữ trong đời sống, trong phim ảnh bắt đầu tích cực hơn".
Bình luận (0)