(TNO) Từng sống và làm việc ở 4 đất nước: Trung Quốc, Việt Nam, Ba Lan và Na Uy, kiến trúc sư Lệ Tân Sitek lại chọn cách viết tiểu thuyết tự truyện ở độ tuổi cổ lai hi để giãi bày nỗi lòng về quá khứ và quê hương nguồn cội.
>> Lệ Tân Sitek: Nữ kiến trúc sư đam mê sưu và tầm
|
Với chất giọng đặc Hà Nội, mái tóc bạc phơ đượm màu thời gian, người con gái gốc Nghệ An này đã toát lên được khí phách đầy tự tin và một niềm yêu thương da diết về quê hương nguồn cội trong buổi gặp gỡ ra mắt hai tiểu thuyết tự truyện Một mình trên đường và Ngã ba đường (NXB Trẻ) tại Lotus Gallery (67 Pasteur, quận 1, TP.HCM) vào cuối tháng 4 này. Bà đã dành cho Thanh Niên Online một buổi trò chuyện thật cởi mở.
* Cuộc đời bà được coi là khá trắc trở, gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử của đất nước. Và những bước ngoặt lịch sử đó đã tác động tới cuộc đời bà như thế nào?
- Lệ Tân Sitek: 74 năm trước, tôi được sinh ra ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Bố mẹ tôi sang bên đó để hoạt động cách mạng từ nhiều năm trước. Mẹ tôi thì sang Hồ Nam từ năm 12 tuổi, là học sinh đi học Thái Lan, Trung Quốc, Lào…, đi hoạt động cách mạng. Bố tôi mất năm 1944 do bệnh tật và năm 1945, mẹ tôi mới quyết định đưa hai chị em tôi về nước sau một chuyến đi đường bộ đầy vất vả. Năm đó tôi mới 6 tuổi. Tôi có hai đứa em gái ruột, nhưng đứa em gái thứ lúc đó được gửi lại Trung Quốc trong một gia đình khác.
Đó cũng là sự chia ly đầu tiên trong cuộc đời tôi kể sau khi bố tôi mất.
|
Về tới Hà Nội một thời gian, mẹ tôi vẫn hoạt động cách mạng. Chị em tôi bắt đầu học tiếng Việt và tập dần cuộc sống mới. Khi phát hiện ra có người tìm kiếm bố tôi qua tin nhắn tìm người nhà trên Báo Hồng Thập Tự, mẹ tôi quyết định đưa chúng tôi về quê nội Nghệ An tìm kiếm và nhận lại họ hàng.
Chuyến đi đó đã khiến cuộc đời tôi rẽ sang một bước ngoặt rất lớn. Do mẹ tôi phải quay lại Hà Nội làm việc và chiến tranh chia cắt nên tôi đã ở luôn đó tới tận 10 năm cùng bà nội, các cô chú, lớn lên trong tình yêu thương của cả làng quê giàu truyền thống cách mạng.
Các cô chú tôi cũng đều tham gia hoạt động cách mạng. Vì vậy quê nội đã rất gắn bó với tôi và in đậm trong tôi nhiều kỷ niệm không thể quên. Sau này, khi sống ở nước ngoài nhiều năm, ấn tượng nhất và khó quên nhất trong tôi vẫn là những kỷ niệm ấu thơ khi sống ở làng quê của chính mình. Tôi cũng lấy làm lạ rằng có nhiều thứ khác dù vừa diễn ra hôm qua nhưng mình có thể quên đi nhanh chóng, trái lại những kỷ niệm ấu thơ mãi mãi không hề quên, thậm chí còn khắc sâu tới từng chi tiết.
Sau đó tới năm 1955, tôi được nhà nước cử sang Ba Lan du học ngành đóng tàu. Tôi là người trẻ nhất đoàn, lúc đó mới 16 tuổi. Chuyến du học đó đã đưa đẩy tôi chuyển ngoặt sang học ngành kiến trúc và quen với chồng tôi sau này, khiến tôi quyết định ở lại Ba Lan, rồi chuyển sang Oslo, Na Uy, định cư từ 1967 tới nay. Năm 1979, tôi mới trở về Việt Nam sau hơn 20 năm xa cách.
* Như vậy xem ra những mốc năm 1945, 1979 đều là những mốc thời điểm quan trọng của cuộc đời bà. Với tư cách một công dân tự do, bà chọn những thời mốc lịch sử này để quay trở về Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ trong tác phẩm. Đề cập tới hai mốc lịch sử này cho thấy bà luôn đau đáu một nỗi niềm của người con xứ Nghệ yêu nước và bà sử dụng những bối cảnh lịch sử của Ba Lan, Liên Xô… như muốn độc giả soi vào đó để thấy Việt Nam. Điều này có đúng không?
- Đúng là những quan hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Liên Xô, Việt Nam-Campuchia trong sách của tôi đều là có ẩn ý cả. Mình không muốn nói về chính trị nhưng đó là những chuyện rất thật, đã xảy ra. Vì vậy nhiều độc giả cho rằng đây không phải là tiểu thuyết tự truyện mà là tiểu thuyết lịch sử. Và nếu vô tình đạt được mục đích như mọi người đánh giá thì thật may quá.
* Có bao giờ bà muốn đi theo con đường hoạt động cách mạng như bố mẹ mình?
- Không, thú thật là tôi không nghĩ tới. Việc hoạt động cách mạng như vậy vô cùng khó. Nhưng tôi rất tự hào được sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng như vậy. Nhất là khi trở về làng Phổ Đông, Nghệ An quê nội tôi, khi tôi mới là một đứa trẻ 5-6 tuổi, tôi đã được chia một miếng đất và được dân làng yêu quý, trọng vọng vì tôi là con của bố mẹ tôi, con của liệt sĩ cách mạng lão thành. Tôi rất tự hào về điều này.
* 5 năm ở Trung Quốc, 12 năm ở Ba Lan, 46 năm ở Na Uy, vậy bà nhớ Việt Nam vào lúc nào?
- Khó nói lắm vì lúc nào tôi cũng nhớ, cũng muốn về. Nỗi nhớ hiện diện hằng ngày, không thể đong đếm nổi. Trước đó mỗi lần tôi xin thị thực về, Đại sứ quán Ba Lan đều nói là nhà nước rất cần những người có học thức, chị muốn về bao giờ cũng được, nhưng khi tôi hỏi tôi có được quay trở lại với chồng với con không thì không được trả lời. Vì vậy tôi không dám quay về.
Tới năm 1979, tôi mới được đại sứ quán cấp thị thực xuất nhập cảnh, phản ứng đầu tiên của tôi là rất vui nhưng không về. Chồng tôi rất ngạc nhiên. Khoảng thời gian đó người tôi cũng nôn nao khó tả, ăn không ngon, ngủ không yên, chuyện nhà lung tung lang tang, không làm được gì. Người thì gầy đi. Cuối cùng nhà tôi thấy không được nên đã phân tích cho tôi. Nhờ đó tôi mới quyết định đi về nước. Nhưng thấy không chắc chắn, chỉ sợ mình không được quay về với chồng con, nên tôi chỉ về có hai tuần. Hai tuần đó đủ để cho tôi hồi hộp rồi. Cũng may là tim tôi không bay ra bên ngoài nên mới sống được. Mặc dù giấy tờ đã đâu vào đấy nhưng về Việt Nam hồi đó phải mất 36 tiếng đồng hồ, không phải 18 tiếng như bây giờ, phải mất 6-7 ngày đi đường. Đi máy bay, quá cảnh nhiều nơi.
* Và từ sau khi về nước thuận lợi, bà có thường quay trở về Việt Nam không?
- Có chứ! Sau đó, tôi trở về thường xuyên hơn. Thường thì một năm rưỡi đến hai năm một lần. Có lúc đi cùng chồng và con về. Anh ấy được các em tôi rất quý mến. Do tôi thường kể cho anh ấy nghe gần như thuộc lòng ở Việt Nam trước đây của mình nên nói về Việt Nam, anh ấy không hề lạ lẫm. Anh ấy rất yêu quý Việt Nam.
* Bà thấy Việt Nam thế nào sau mỗi lần trở về?
- Việt Nam thay đổi nhiều! Tôi rất ngạc nhiên đấy. Diện mạo đất nước cũng thay đổi nhiều, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, tôi không thích xu hướng thành thị hóa nông thôn, khiến vẻ đẹp dân dã và nét đẹp đặc trưng của nông thôn bị mất đi. Việt Nam cần chú ý giữ gìn đặc trưng vùng miền ở nông thôn, bởi điều đó cũng là những nét duyên riêng thu hút du lịch của từng vùng miền.
|
* Được biết bà cũng là một nhà sưu tầm, thường giới thiệu các họa sĩ Việt Nam ra nước ngoài?
- Vâng, là một kiến trúc sư, tôi rất quan tâm tới nghệ thuật và có thú sưu tầm. Mỗi lần về Na Uy, tôi đều chịu khó mang tranh Việt Nam và những món đồ nghệ thuật mà mình mới tìm kiếm được. Tôi viết báo giới thiệu về mỹ thuật. Tôi thấy tranh của các họa sĩ Việt Nam rất đẹp mà bên ngoài lại không mấy biết nên đã giúp giới thiệu ra bên ngoài. Như trước đây tôi cũng từng làm công tác chuẩn bị cho một vài cuộc giao lưu nghệ thuật giữa Việt Nam và Na Uy, trong đó có họa sĩ Nguyễn Quân tham gia. Năm 2007, vợ chồng tôi có tổ chức một triển lãm lớn cho một họa sĩ không danh tiếng của Việt Nam.
* Từng ở nước ngoài nhiều năm như vậy, trong gia đình cũng không hề sử dụng tiếng Việt nhưng những ngôn từ trong sách của bà lại được viết rất trau chuốt như một người sống trong nước viết vậy. Ở nước ngoài, bà có hay đọc sách báo Việt Nam không?
- Cũng có nhiều người ngạc nhiên về điều này. Nhưng tiếng Việt đã ngấm vào người vậy, khi cần sử dụng thì tự bật ra. Tôi nhớ ra chuyện gì thì cứ viết ra như vậy và sắp xếp lại cho liền mạch về thời gian. Tôi sử dụng tiếng Ba Lan, tiếng Na Uy hằng ngày. Sách báo Việt Nam ở bên đó cũng hiếm hoi lắm. Tôi đọc mọi thứ về Việt Nam qua tiếng Ba Lan. Chỉ từ khi có internet, việc tìm kiếm thông tin về Việt Nam mới phong phú thêm. Hai con trai tôi tuy không biết tiếng Việt nhưng chúng cũng chịu khó tìm hiểu mọi thứ về Việt Nam qua tiếng Ba Lan, Na Uy nên cũng không thấy xa lạ.
* Từ một công dân không quốc tịch đến một kiến trúc sư, rồi một nhà sưu tầm, lý do gì khiến bà quyết định từ bỏ sự nghiệp kiến trúc sư hơn 40 năm để ngồi lại viết sách?
- Viết sách đối với tôi như một nỗi nhung nhớ về quê hương, đất nước. Ngoài ra, tôi cũng có nhiều uẩn ức muốn giải tỏa. Việc yêu và kết hôn với một người nước ngoài khiến tôi trở thành một công dân không quốc tịch và bị chia cắt với gia đình, họ hàng tới hơn 20 năm trời. Cuộc đời tôi có rất nhiều ngã ba, ngã tư nhưng việc quyết định ở lại cùng người mình yêu thương là ngã ba chính quan trọng trong đời tôi. Và tôi không hề ân hận tí nào về điều này.
* Bà có thể chia sẻ kế hoạch sắp tới của mình?
- Tôi vẫn dành thời gian tới để viết sách. Hai cuốn sách trước của tôi sau khi tôi viết ra tiếng Việt đều được tôi viết lại bằng tiếng Ba Lan và phát hành ở nước ngoài. Các cuốn sau này cũng không ngoại lệ. Dự định năm tới, tôi sẽ cùng chồng trở lại Việt Nam đi du lịch xuyên Việt để ngắm nghía cho thỏa đất nước quê hương cội nguồn.
* Xin cám ơn bà về buổi trò chuyện này!
Lệ Tân Sitek tên thật là Bùi Lý Lệ Tân, sinh năm 1939 tại Hồ Nam (Trung Quốc), con gái đầu của hai nhà lão thành cách mạng đã từng hoạt động nhiều năm ở Trung Quốc (ông Bùi Hải Thiệu - bí danh Lý Quốc Lương và bà Hoàng Lệ Minh mang nhiều bí danh như Lý Phương Thuận, Lý Sâm). Năm 1944, Lệ Tân Sitek cùng mẹ và hai em gái về Việt Nam. Từ năm 1945-1955, bà sống với bà nội và các cô chú tại làng Phổ Đông, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong khi mẹ và hai em gái vẫn sống ở Hà Nội. Mùa thu 1955, bà đi du học tại Ba Lan và tốt nghiệp kiến trúc năm 1964. Năm 1962, bà lập gia đình với ông Ryszard Sitek, sinh sống tại Ba Lan tới năm 1967. Từ năm 1967 đến nay, bà cùng chồng và hai con định cư tại Oslo, Na Uy. Bên cạnh nghề kiến trúc mà bà đã theo đuổi hơn 40 năm, bà Lệ Tân Sitek còn có thú sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật và viết báo về mỹ thuật và viết sách. Các cuốn sách của bà Lệ Tân Sitek đã xuất bản: Sưu và Tầm (NXB Mỹ Thuật, 2003), Một mình trên đường (NXB Trẻ, 2013), Ngã ba đường (NXB Trẻ, 2013). Hai cuốn sách Một mình trên đường và Ngã ba đường của bà đã được chính bà chuyển ngữ sang tiếng Ba Lan, phát hành tại Ba Lan từ năm 2011. |
Ngọc Bi
(thực hiện)
>> Người thầy của các thầy
>> Những người Việt sáng tạo
>> Những người Việt không trầm lặng
Bình luận (0)