Lễ tảo tháp và khai mạc hội thảo khoa học Thiền phái Liễu Quán tại Huế

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
31/12/2023 13:45 GMT+7

Tưởng niệm 281 năm tổ sư Liễu Quán (người sáng lập Thiền phái Liễu Quán tại Thuận Hóa vào đầu thế kỷ 18) thị tịch, chư tăng ni phật tử trong và ngoài nước đã quy tụ về cố đô Huế làm lễ tảo tháp và dự hội thảo khoa học 'Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển'.

Sáng nay 31.12, nhân tưởng niệm 281 năm đức tổ sư Liễu Quán thị tịch (1742 - 2023), đông đảo chư tăng ni phật tử trong và ngoài nước đã quy tụ về tháp tổ tại núi Thiên Thai (tổ đình Thiền Tôn, P.An Tây, TP.Huế) để làm lễ tảo tháp ngài. Tổ sư Liễu Quán là sơ tổ sáng lập Thiền phái Liễu Quán, dòng thiền Việt tại Thuận Hóa vào đầu thế kỷ 18.

Lễ tảo tháp và khai mạc hội thảo khoa học Thiền phái Liễu Quán tại Huế- Ảnh 1.

Chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế tham dự lễ tảo tháp tổ sư Liễu Quán

B.N.L

Sau lễ tảo tháp là hội thảo khoa học "Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển" do Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện Nghiên cứu tôn giáo và Đại học Huế tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội thảo, hòa thượng Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Trưởng ban tổ chức hội thảo, cho biết cách đây gần 300 năm, tổ sư Thiệt Diệu - Liễu Quán đã sáng lập nên một dòng thiền mới ở Nam Hà - Đàng Trong đậm nét bản sắc văn hóa Việt. Nếu Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông khai lập là dòng thiền thứ nhất của Việt Nam, thì Thiền phái Liễu Quán là dòng thiền Việt thứ hai của dân tộc.

Lễ tảo tháp và khai mạc hội thảo khoa học Thiền phái Liễu Quán tại Huế- Ảnh 2.

Tháp tổ Liễu Quán dưới chân núi Thiên Thai, TP.Huế

B.N.L

"Điều đặc biệt, sự truyền thừa của dòng thiền này đã được liên tục tiếp nối và phát triển theo cùng bước chân Nam tiến, mở mang bờ cõi của đất nước. Cũng từ dòng thiền này, các bậc tổ sư, cao tăng, cư sĩ phật tử đã dấn thân trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc, nổi bật là phong trào chấn hưng Phật giáo, hoằng pháp lợi sanh, góp phần tạo nên sự quang huy quốc độ và Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Đến nay, Thiền phái Liễu Quán đã phát triển rộng khắp mọi miền đất nước, lan tỏa đến cả nhiều vùng đất ở nước ngoài, với hàng ngàn ngôi chùa và hàng triệu môn đồ tăng ni và phật tử", hòa thượng Thích Hải Ấn phát biểu.

Suốt thời gian gần 3 thế kỷ hình thành và phát triển của Thiền phái Liễu Quán, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn chưa có một cuộc minh định chính thức nào về vị thế cũng như nội hàm giá trị đóng góp to lớn của thiền phái trong dòng văn hóa dân tộc Việt Nam. Vì vậy, đây là hội thảo đầu tiên mang tính lịch sử về Thiền phái Liễu Quán, cũng là dịp vun xới những giá trị tâm linh, nối kết tình linh sơn pháp lữ với tâm nguyện "Truyền đăng tục diệm/ Tổ ấn trùng quang".

Lễ tảo tháp và khai mạc hội thảo khoa học Thiền phái Liễu Quán tại Huế- Ảnh 3.

Đông đảo tăng ni, phật tử tham dự lễ tảo tháp tổ sư Liễu Quán tại núi Thiên Thai

B.N/.L

GS Lê Mạnh Thát, trong phát biểu đề dẫn, cho biết Phổ hệ truyền thừa và quá trình phát triển của Thiền phái Liễu Quán đã có những đóng góp quan trọng đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam và lịch sử dân tộc, nhất là từ giai đoạn chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ 20 đến nay.

Đóng góp này thể hiện qua 5 nhánh truyền thừa chính: Nhánh của ngài Tế Ân Lưu Quang (khởi truyền tại Thuận Hóa); nhánh của ngài Tế Nhơn Hữu Phi (khởi truyền từ Thuận Hóa, phát triển mạnh tại các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ); nhánh của ngài Tế Lập Ứng Am (khởi truyền từ Bình Định); nhánh của ngài Tế Căn Từ Chiếu (khởi truyền từ Phú Yên); nhánh của ngài Tế Hiển Bửu Dương (khởi truyền từ Khánh Hòa).

Lễ tảo tháp và khai mạc hội thảo khoa học Thiền phái Liễu Quán tại Huế- Ảnh 4.

Phiên khai mạc hội thảo khoa học "Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển"

G.N

Hội thảo đã đón nhận thư chúc mừng của Đại lão hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tán thán Ban tổ chức hội thảo khoa học “Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển" và các sự kiện văn hóa tưởng niệm 281 năm tổ sư Liễu Quán viên tịch tại Thừa Thiên - Huế.

"Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667 - 1742) có vị trí đặc biệt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tiếp nối nguồn mạch tâm linh từ các bậc tiền nhân, ngài làm sống dậy và phát huy tinh thần độc lập tự chủ; khởi sáng Thiền phái Liễu Quán, ảnh hưởng sâu rộng, truyền thừa liên tục 300 năm qua, là điểm son trong truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo nước nhà", thư chúc mừng của Đại lão hòa thượng Thích Trí Quảng ghi nhận.

Lễ tảo tháp và khai mạc hội thảo khoa học Thiền phái Liễu Quán tại Huế- Ảnh 5.

GS Lê Mạnh Thát phát biểu đề dẫn khai mạc hội thảo

G.N

Hội thảo kéo dài đến ngày mai 1.1.2024, với 122 bài tham luận của chư tôn thiền đức, các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa... trong và ngoài nước.

Các tham luận tập trung làm rõ quê quán, xuất thân, quá trình học đạo và hành đạo của đức tổ sư Liễu Quán, đặc biệt là lập trường tư tưởng và đặc trưng thiền học của ngài trong quá trình hành đạo, giáo hóa đồ chúng, tục diệm truyền đăng; những đóng góp của lịch đại tổ sư thiền phái Liễu Quán qua công tác dịch thuật, biên soạn, trước tác, trùng san kinh điển, giáo hóa đồ chúng, hoằng pháp lợi sanh...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.