Vu Lan (盂蘭) trong Hán ngữ có nghĩa là đảo huyền (treo ngược), còn bồn (盆) là một dụng cụ đựng thức ăn (theo cách hiểu thời nhà Đường), đến triều đại nhà Tống thì “bồn” được phát triển thành vật hiến tế tổ tiên và vua chúa trong Lễ hội Trung Nguyên. Thông thường, “bồn” là một vật chứa hình cái chậu, làm bằng những thanh tre, nứa, cao ba thước ba tấc, có ba chân bằng cọc tre, dùng để đựng tiền giấy và các đồ vật khác, gọi chung là “Vu Lan bồn”. Sau các nghi thức tế lễ, người ta sẽ đốt loại bồn này.
|
Ở Ấn Độ, khi Đức Phật còn tại thế, người ta thường thực hiện nghi lễ cúng dường Đức Phật và chư Tăng để cầu siêu cho người thân đã khuất, mong họ được siêu sanh tịnh độ, ngoài ra họ còn lập đàn cúng cô hồn, quỷ đói, cầu nguyện cho những vong hồn sớm giải thoát mọi khổ đau để an nhiên về cõi Phật. Sau khi lễ này du nhập vào Trung Hoa, Lương Vũ Đế là vị vua đầu tiên cúng Vu Lan Bồn vào năm 538 tại chùa Đồng Thái, tỉnh Giang Tô. Kể từ đó lễ này được truyền khắp Trung Hoa.
Hình thức lễ Vu Lan ở một số nước châu Á
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, lễ Vu Lan bồn du nhập vào nước ta rất sớm. Từ năm 1072, vua Lý Nhân Tông đã từng thiết trai đàn cầu siêu cho cha mẹ. Thế rồi, qua thời gian, Vu Lan bồn dần dần trở thành đại lễ cho đến ngày nay. Đây là lễ để con cháu tỏ lòng tôn kính, báo hiếu cha mẹ còn sống hay đã qua đời, kể cả ông bà 7 đời. Trong ngày lễ Vu Lan, ngoài ý nghĩa cầu siêu, người Việt Nam còn tổ chức nghi thức Bông hồng cài áo để tưởng nhớ những người mẹ đã khuất và tỏ lòng biết ơn các bà mẹ còn tại thế với con cháu.
Nghi thức này có nguồn gốc từ đoản văn Bông hồng cài áo (1962) của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ lấy ý từ đoản văn này để sáng tác ca khúc bất hủ Bông hồng cài áo thường được sử dụng trong ngày lễ Vu Lan – một nghi lễ phổ biến trong cộng đồng người Việt trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Thái Lan.
Hằng năm, lễ Vu Lan thường được tổ chức luân phiên tại những ngôi chùa Việt Nam, phổ biến nhất là tại chùa Quảng Phước (Wat Anamnikayaram) và chùa Cảnh Phước (Wat Samananam Borihan) tại Bangkok, Thái Lan.
Ở Nhật Bản, có một nghi lễ tương tự Vu Lan gọi là Obon, hoặc đơn giản là Bon, tồn tại hơn 500 năm qua. Đây cũng là lễ cúng người đã khuất, về sau biến đổi thành một kỳ nghỉ đoàn tụ gia đình, những người từ các thành phố lớn sẽ trở về quê, thăm hỏi, vui chơi với nhau và dọn dẹp nơi an nghỉ của tổ tiên họ.
Theo truyền thống, trong lễ này bao gồm cả khiêu vũ được gọi là Bon Odori. Lễ Obon thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 ở phần phía Đông (Kantō) và vào ngày 15 tháng 8 ở phần phía Tây (Kansai). Ở Okinawa và quần đảo Amami thì lễ này được tổ chức như ở Trung Quốc, tức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch.
Người Khmer có lễ hội tôn giáo gọi là “Ngày của Tổ tiên” (Pchum Ben: ភ្ជុំបិណ្ឌ), kéo dài 15 ngày, đỉnh cao là lễ kỷ niệm vào ngày 15 của tháng 10 trong lịch Khmer, vào cuối của Mùa Chay Phật giáo Vassa. Đây là thời điểm mà nhiều người Campuchia bày tỏ lòng kính trọng đối với những người thân đã qua đời lên đến 7 thế hệ.
|
Ở Ấn Độ có lễ Pitru Paksha của người theo đạo Hindu, do người nam trong gia đình hành lễ (được coi là bắt buộc), để đảm bảo rằng linh hồn của tổ tiên được lên thiên đàng. Kinh thánh Markandeya Purana nói rằng nếu tổ tiên bằng lòng với lời cầu nguyện, họ sẽ ban tặng sức khỏe, sự giàu có, kiến thức, tuổi thọ, cuối cùng là thiên đường và sự cứu rỗi (moksha) cho người hành lễ.
Tương tự lễ Vu Lan, Hari Raya Galungan là ngày lễ cúng tổ tiên ở Bali và một số vùng của Indonesia, ngoài ra còn những nghi lễ khác kéo dài hơn hai tuần, bằng hình thức cúng thức ăn và lễ vật tôn giáo. Nhìn chung, những ngày lễ này tổ chức theo lịch pawukon của người Bali và thường diễn ra sau mỗi 210 ngày. Ở Hồng Kông và Ma Cao còn có tục đốt quần áo trên đường phố, từ mùng 1 đến 14 tháng 7 âm lịch, cũng giống như tục đốt vàng mã cúng người đã mất tại Việt Nam.
Bình luận (0)