"ĐAU ĐẦU" VÌ HỌC SINH TRƯỢT TỐT NGHIỆP THPT
Năm 2022 Hà Nội có 98/221 trường THPT tốt nghiệp đạt tỷ lệ 100% (tăng 9 trường so với năm học trước). Tuy tỷ lệ tốt nghiệp chung của TP đạt mức cao nhưng Hà Nội vẫn chỉ đứng thứ 27/64 tỉnh, thành về thứ hạng; mặt khác, phổ điểm trung bình một số môn thi cũng chưa cao. Toàn TP có 842 thí sinh (TS) trượt tốt nghiệp, trong đó 167 TS trượt do điểm liệt, thấp hơn so với năm học trước 43 TS, nhưng lại tăng rất mạnh ở một số môn học vốn được coi là thế mạnh của học sinh (HS) thủ đô và rất khó bị điểm liệt. Ví dụ, môn ngoại ngữ có 60 TS bị điểm liệt, tăng 45 HS so với năm học trước; môn ngữ văn có 33 TS bị điểm liệt, tăng 12 TS...
Ngoài ra, Hà Nội cũng thừa nhận công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá quá trình ôn tập, chuẩn bị cho thi tốt nghiệp chưa thực sự sát sao. Số HS bị điểm liệt các môn thi bắt buộc (ngữ văn, tiếng Anh) cao hơn năm trước là có yếu tố chủ quan của mỗi nhà trường. Có tới 20% số trường tất cả các môn thi tốt nghiệp của HS đều thấp hơn mức trung bình chung, ngoài nguyên nhân đầu vào của HS thấp, thì chất lượng dạy và học là vấn đề rất cần quan tâm.
Từ thực tế đó, mới đây, Ban giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã triệu tập khoảng hơn 70 trường THPT cả công lập và tư thục có "nguy cơ" để bàn cách nâng cao số lượng và chất lượng tốt nghiệp THPT.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ, cho hay trường có điểm đầu vào thấp, nên nhà trường chú trọng tổ chức các lớp phụ đạo cho HS yếu, kém, các em có nguy cơ bị điểm liệt... Nội dung ôn tập cho đối tượng này chủ yếu là ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Với nhóm HS khá, nội dung ôn tập được nâng cao hơn ở mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Với nhóm có học lực giỏi, nhà trường tập trung luyện cho các em các đề kiểm tra ở mức độ vận dụng, vận dụng cao để các em có thể đạt điểm giỏi trong kỳ thi.
Cẩn thận với điện thoại di động
Kỳ thi các năm trước, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, Hà Nội còn là một trong những địa phương dẫn đầu về số lượng TS vi phạm quy chế do mang điện thoại và các trang thiết bị không được phép vào phòng thi. Nhiều TS trong số này dù sau đó khóc và giải thích do để điện thoại trong túi và quên bỏ ra trước khi vào phòng thi nhưng quy chế là không có ngoại lệ. Chính vì vậy, lãnh đạo các nhà trường đều nhấn mạnh với phụ huynh, những người sát sao nhất con em mình trong kỳ thi, phải nhắc nhở các em về điều này.
Đặc biệt, không chỉ trong phòng thi, từ năm 2022, Bộ GD-ĐT bổ sung quy định đình chi thi, hủy kết quả toàn bộ các bài thi nếu TS mang vật dụng không được phép vào phòng chờ nên HS cũng cần lưu ý để tránh phạm quy.
Đại diện Trường THPT Hợp Thanh cho biết nhiều HS của trường có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình từng HS, phụ đạo HS yếu, kém theo từng môn. Nhằm giúp HS không bị điểm liệt, các tổ chuyên môn xây dựng đề cương ôn tập cho đối tượng này ở mức cơ bản, đồng thời tổ chức cho HS tập dượt nhiều lần với các môn thi như kỳ thi thật.
Ông Bạch Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, cũng cho biết trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tỉnh tăng 11 bậc so với kỳ thi năm trước; tỷ lệ đỗ nghiệp THPT đạt 99,42%. Tuy nhiên, Sở vẫn yêu cầu các trường kiểm tra, giám sát, phân loại HS để hướng dẫn, giúp đỡ các HS có nguy cơ trượt tốt nghiệp.
Trước khi kỳ thi chính thức diễn ra, Sở GD-ĐT Bắc Giang tổ chức 2 kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2023 để cán bộ quản lý, giáo viên và HS làm quen và tổ chức dạy, ôn thi và tổ chức kỳ thi. Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT quốc gia thứ nhất đã được tổ chức từ cuối tháng 3; kỳ thi thử thứ hai sẽ tổ chức vào cuối tháng 5.2023. Đây sẽ là kỳ tập dượt cuối cùng trước khi HS bước vào kỳ thi chính thức.
HS GIỎI CŨNG CÓ NGUY CƠ ĐIỂM LIỆT
Trong hai ngày 7 - 8.4 vừa qua, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức "thi thử" tốt nghiệp THPT cho HS lớp 12 toàn TP. Sau khi có kết quả kỳ thi thử này, nhiều trường THPT, trong đó có cả trường top đầu, đã phát đi "báo động đỏ" với phụ huynh HS về việc đôn đốc HS trong giai đoạn ôn thi nước rút.
Nhiều trường nhấn mạnh đến tâm lý chủ quan của HS khi đã chắc chắn được xét tuyển ĐH nên không cố gắng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhiều nhà trường cho biết trong các môn thi, môn sinh học và lịch sử là những môn có nhiều HS thuộc diện "nguy cơ cao", nhiều em có tâm lý chủ quan, chỉ cần học để được 2 điểm, thoát "liệt" là được. Tuy nhiên, đây là điều rất mạo hiểm bởi về nguyên tắc HS phải đạt mức điểm trung bình trở lên ở tất cả các môn mới có thể yên tâm sẽ đủ điểm tốt nghiệp THPT.
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng HS Hà Nội từ nhiều năm nay tham gia tuyển sinh ĐH bằng nhiều phương thức và không phụ thuộc nhiều vào kết quả các bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp. Do đó, nhiều HS chỉ cần vượt qua tốt nghiệp, không cần cố gắng để đạt điểm cao hơn.
Hiệu trưởng một trường THPT ở Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết sau kỳ khảo sát, nhà trường đã "lọc" ra khoảng hơn chục HS có nguy cơ điểm liệt ở một số môn, trong đó có trường hợp nếu chỉ tính 3 môn xét tuyển ĐH thì có thể trúng tuyển vào trường top đầu nhưng nếu không dồn sức ôn tập thì có thể sẽ trượt tốt nghiệp THPT do có môn bị điểm liệt. Nếu như vậy cánh cửa vào ĐH cũng đóng lại. Do vậy, nhà trường sẽ phải có kế hoạch ôn tập, phụ đạo riêng theo từng môn cho những HS này.
Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cũng cho biết không chờ đến kỳ khảo sát của TP mà nhà trường đã phải tiến hành gặp gỡ phụ huynh và HS lớp 12 từ rất sớm để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và phối hợp giải pháp để không em nào bị bỏ lại do thiếu sự quan tâm của nhà trường và gia đình.
Theo ông Đàm Tiến Nam, có HS đủ điểm đỗ ĐH nhưng lại trượt tốt nghiệp vì có điểm liệt môn lịch sử. "Nhiều HS có tâm lý chỉ chăm chăm cho các môn thi ĐH mà quá lơ là các môn còn lại nên nhà trường phải có một lớp gọi vui là lớp "chống liệt" cho HS, lớp này có một thời gian biểu và kế hoạch phụ đạo đặc biệt", ông Nam cho hay.
CẢNH BÁO NHỮNG TÌNH HUỐNG "TRƯỢT TỨC TƯỞI"
Ngoài các nguyên nhân trượt tốt nghiệp THPT đến từ ý thức và năng lực học tập, các trường ở Hà Nội cũng bày tỏ lo ngại về việc HS vô tình đánh trượt chính mình.
Phụ huynh của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết: Cuối tuần qua, phụ huynh khối 12 của trường đã có buổi họp với ban giám hiệu nhà trường để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Tại đây, cô hiệu trưởng đã trực tiếp lưu ý những tình huống "phạm quy" mà HS vô tình mắc phải dẫn tới trượt tốt nghiệp một cách tức tưởi. Tình huống một số HS dù rất giỏi, học trường chuyên, trường điểm, vào phòng thi chưa kịp làm bài đã ngủ quên đến hết giờ thi trong năm trước dẫn tới bị điểm liệt môn này và trượt tốt nghiệp, trượt cả ĐH cũng được lãnh đạo nhà trường đưa ra tại cuộc họp này để đề nghị phụ huynh cùng nhắc nhở, quan tâm tới con em mình trong những ngày thi; tránh thức quá khuya để học bài trong thời điểm này…
Về phía Bộ GD-ĐT, dù không nhắc trực tiếp tới tình huống TS ngủ quên trong phòng thi nhưng văn bản hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng lưu ý: "Trong quá trình coi thi, các tình huống bất thường (nếu có) đặc biệt là các tình huống ảnh hưởng đến quyền lợi của TS, cán bộ coi thi phải thông qua cán bộ giám sát để báo ngay cho trưởng điểm thi xem xét quyết định trước khi xử lý"...
Bình luận (0)